Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

LUẬN ĐIỆU CỦA NHỮNG KẺ XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Thời gian qua, hùa theo những kẻ phản động, bất mãn, trên blog danlambao có bài viết: “Báo suy thoái – cán bộ mơ hồ – nghị quyết bơ vơ” đã xuyên tạc vai trò và thành tựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là luận điệu biến tướng, kế tiếp của những kẻ phản động cho rằng ở Việt Nam “không có tự do báo chí”, là do “ở Việt Nam không có báo chí tư nhân”? Luận điệu cho rằng Đảng ta để “Báo chí suy thoái” là phản động, cần bác bỏ trên cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:
Tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn là vấn đề mang tính toàn cầu. Nó không chỉ là sự quan tâm của những người cầm quyền ở mỗi quốc gia, mà còn là một đòi hỏi cơ bản của quyền con người, là nhu cầu tinh thần trong tiến trình, tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin. Song, trong một thể chế chính trị cụ thể, nội hàm của tự do ngôn luận, tự do báo chí được hiểu khác nhau do cách tiếp cận khác nhau, thậm chí do những động cơ chính trị đối lập của các nhóm lợi ích khác nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam rất coi trọng việc phát huy tự do tư tưởng, tự do báo chí. Người nói giản dị nhưng rất dễ hiểu về mối quan hệ biện chứng giữa tự do ngôn luận và trách nhiệm công dân: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”.
Trên phương diện pháp lý, Hiến pháp của nước Việt Nam đều có những quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Ở mỗi bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013), đều khẳng định tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, của mọi công dân. Điều 33 Hiến pháp 1992 quy định: “Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và hoạt động báo chí phải tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm những hoạt động báo chí, thông tin sai sự thật làm tổn hại lợi ích quốc gia…”. Tự do báo chí để phục vụ lợi ích của số đông các tầng lớp nhân dân nhằm duy trì sự ổn định chính trị – xã hội của đất nước, góp sức xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở Việt Nam.
Thực tiễn ở Việt Nam đã rất chú trọng công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như các nhà báo hành nghề. Dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao về hình thức phát thanh, truyền hình trực tiếp các kỳ họp chuyên đề của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các buổi chất vấn của đại biểu Quốc hội dành cho các thành viên Chính phủ, kể cả Thủ tướng. Tất cả các Bộ trưởng đều nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” trong những buổi giao lưu trực tuyến thường xuyên. Các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều tường thuật trực tiếp các cuộc trả lời chất vấn dành cho các thành viên hội đồng nhân dân. Thực hiện chế độ thông tin minh bạch về những hoạt động, những vụ tiêu cực xảy ra ở các lĩnh vực nói chung và ở đội ngũ người làm báo nói riêng. Thực hiện chế độ thông tin định kỳ một tháng một lần về hoạt động, chỉ đạo công tác điều hành của Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ,  theo từng tháng và ít nhất ba tháng một lần tổ chức họp báo. Ngoài ra, người có quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí khi có trường hợp đột xuất, bất thường.
Ở Việt Nam báo chí đã thật sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; là diễn đàn và công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của các tầng lớp nhân dân. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả lĩnh vực của đòi sống xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí. Khi tham gia sinh hoạt, hoạt động ở tổ chức nào, họ đều có ấn phẩm báo chí của tồ chức đó nhằm đáp ứng mọi nhu cầu và bảo đảm quyền được thông tin của mình. Chính vì lẽ đó, đông đảo các giai tầng xã hội ỏ Việt Nam tự thấy không có nhu cầu xuất bản báo chí tư nhân. Với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ những người làm báo, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính đều được quan tâm và đầu tư. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các giai cấp, giai tầng, các hội nghề nghiệp, các giới, các tôn giáo lớn, các thành phần trong xã hội đều có tờ báo của mình. Báo chí ngày càng là một kênh quan trọng để các cơ quan chức năng tham khảo nhằm bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sao cho sát hợp hơn cuộc sống nhân dân. Với vai trò phản ánh và tham gia phản biện xã hội, phát hiện, biểu dương nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, báo chí đã tích cực tham gia đấu tranh có hiệu quả trong chống tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đằng sau những luận điệu xuyên tạc nêu trên là mưu đồ phủ nhận vai trò của báo chí, vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối báo chí cũng như người làm báo. Bọn phản động tỏ vẻ là người yêu nước, vì người làm báo nhưng thực chất là tay sai cho kẻ thù, phản quốc, hại dân và bài xích Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, mỗi người dân Việt Nam hãy cảnh giác, không bị mắc mưu những luận điệu xuyên tạc và phản động của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng./.

2 nhận xét:

  1. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa