Cách đây hơn 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị
cán bộ y tế tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (27- 2-1955). Bức thư được đăng trên báo
Nhân Dân ngày 27- 2-1955. Thư của Người dù chỉ có 386 chữ, nhưng đã thể hiện sự
chỉ đạo sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược cho ngành Y tế Việt
Nam.
Một là, “đoàn kết là sức mạnh”, vì “đoàn kết là sức mạnh của
chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”.
Cùng chung một mục đích là “phục vụ nhân dân” cho nên, dù công việc và địa vị
khác nhau, song đội ngũ cán bộ ngành Y cần phải “đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán
bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ
trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc”.
Hai là, “lương y phải như từ mẫu”. Y đức là phẩm chất tốt đẹp,
là giá trị cốt lõi của những người làm trong ngành Y tế; biểu hiện ở tinh thần
trách nhiệm, sự tận tâm phục vụ, tình thương yêu, chăm sóc người bệnh. Là một nghề
liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người, người thầy thuốc không chỉ phải giỏi
về chuyên môn mà còn phải giàu về đạo đức nghề; “chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa
bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Người nhấn mạnh rằng,
“người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác
cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là
nhiệm vụ rất vẻ vang”, cho nên những người làm nghề y “cần phải thương yêu
săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình
đau đớn.
Ba là, “xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân
dân”, Chính phủ cần phải “xây dựng một nền y học của ta” - nền y học “phải dựa
trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng”; “chú trọng nghiên cứu và phối
hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.
Theo chỉ dẫn của Người, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế
cả nước, từ Trung ương đến cơ sở, từ thành phố đến tận cơ sở vùng sâu, vùng xa
đều nỗ lực phấn đấu, luôn đoàn kết, sẻ chia kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau về
tay nghề, phương tiện điều trị để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Thực hiện lời
thề Hippocrate và đạo đức người thầy thuốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, tấm
gương mẫu mực về chuyên môn và đạo đức nghề y của bác sĩ Vũ Đình Tụng, Trần Hữu
Tước, GS. Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Đặng
Thùy Trâm, Tôn Thất Bách… cùng thầy thuốc, y tá, y sĩ, hộ lý, lương y trong đội
ngũ những người “anh hùng áo trắng” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn được đội ngũ những người công tác trong ngành học
tập và noi theo.
Trong mọi thời điểm, lời dạy của Người về đoàn kết, về sự sẻ
chia, chăm lo cho người bệnh luôn hiển hiện trong công tác khám và chữa bệnh
cho nhân dân, trong từng phiên trực cấp cứu hằng ngày của những người thầy thuốc,
dù ở bất cứ thời điểm nào, địa bàn nào. Mỗi người, tùy vị trí công tác và
chuyên môn đã luôn giữ và rèn luyện y đức, nỗ lực học tập để nâng cao trình độ
y thuật, ngày đêm tận tụy vì sức khỏe của nhân dân. Ở những thời khắc quyết định,
đã có những thầy thuốc tình nguyện hiến máu để kịp thời cứu chữa người bệnh. Ở
các tuyến bệnh viện, cũng đã có không ít thầy thuốc giúp đỡ tiền để bệnh nhân
nghèo chữa bệnh, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo, nhất là cho đồng
bào miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, ở những thời
điểm các đợt dịch bùng phát cúm A (H5N1), (H1N1), SARS, chân tay miệng ở trẻ
em, sốt xuất huyết… hay Covid -19 như hiện nay, những khi phải cứu chữa cho các
bệnh nhân mắc bệnh nan y, nguy hiểm, đội ngũ những người công tác trong ngành Y
đã tiếp cận, xử lý và tranh thủ từng phút để giành giật sự sống cho bệnh nhân,
khắc chế sự lan rộng của đại dịch, thể hiện rõ trình độ chuyên môn và đạo đức
nghề, tinh thần và trách nhiệm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn.
Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo
Trả lờiXóa