Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

GIÁI PHÁP CHỐNG “VI RÚT TRÌ TRỆ”

Để chống lại “vi rút trì trệ” gồm nhiều công việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và đòi hỏi cả thời gian, quyết tâm chính trị cao độ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quyết liệt trong vấn đề này, thông qua việc ban hành nhiều quy định, quy chế trong Đảng; sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người, cụ thể ở đây là cần đánh giá đúng công tác cán bộ, trong đó tập trung vào một số giải pháp cụ thể.
Trước hết là tiếp tục thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết số 18-NQ/TƯ “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua ngày 25-10-2017. Đây là dịp để rà soát, sắp xếp lại bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm, qua đó góp phần loại bỏ những cá nhân làm việc trì trệ. Trong đó, tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh đối với từng ngạch lãnh đạo, quản lý ở từng cấp; bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá năng lực của cán bộ.
Tiếp đến là hoàn thiện quy chế, quy định, quy trình đánh giá cán bộ, nhất là các trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu bầu cử. Trong đó, công tác đánh giá cán bộ không chỉ xem xét trong một thời điểm, mà phải xem xét trong cả quá trình để thấy được sự chuyển biến; phải kết hợp theo dõi thường xuyên với đánh giá định kỳ. Thực hiện công khai, minh bạch kết quả đánh giá cán bộ để phát huy vai trò giám sát, tham gia ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Trong đó, cần làm thực chất theo tinh thần tại Quy định số 213-QĐ/TƯ ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Quy định trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú”.
Ngoài ra, cần áp dụng phổ biến cơ chế thi tuyển cán bộ quản lý ở nơi thực hiện chế độ thủ trưởng, có đề án tranh cử rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm, nhằm lựa chọn được người có phẩm chất và năng lực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị. Trong đó, quy chế thi tuyển chặt chẽ bảo đảm khách quan, bí mật nhằm loại trừ tác động của mọi yếu tố thân hữu, hối lộ giữa người tổ chức thi, người chấm thi và người thi.
Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, cần đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Với những cá nhân có suy nghĩ, lối làm việc trì trệ rất cần được cấp ủy, chi bộ kèm cặp, nhắc nhở. Nếu không chuyển biến thì thuyên chuyển vị trí công tác, không để cá nhân đó trở thành “hòn đá tảng” làm thui chột ý chí phấn đấu của những người có năng lực, nhiệt huyết cho sự phát triển chung.
“Dụng nhân như dụng mộc” - chỉ có đánh giá đúng thực chất phẩm chất, năng lực của cán bộ mới làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… cán bộ được khách quan. Chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác cán bộ phải thực hiện cho bằng được chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất!”. Đây cũng là giải pháp ngăn ngừa hiệu quả “vi rút trì trệ”, một biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang có nhiều biến tướng tinh vi, phức tạp.


2 nhận xét:

  1. Hiện nay, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đang trở thành căn bệnh ngày càng trầm trọng, lây lan trong xã hội. Vì vậy chúng ta phải đấu tranh để chữa trị căn bệnh này.

    Trả lờiXóa