Quản lý phát triển xã hội được tiếp cận theo nghĩa hẹp, điều đó có nghĩa
là tập trung giải quyết các nội dung: 1. Lao động việc làm, hưu trí,
thu nhập 2. Bảo hiểm 3. Phúc lợi xã hội và 4. Trợ giúp xã hội. Hầu hết
các nước Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan đều đã xây
dựng chiến lược phát triển đất nước dài hạn và trung hạn. Đây chính là cơ sở
quan trọng để xác định chiến lược, chính sách, thể chế và tổ chức hệ thống thực
hiện quản lý xã hội. Chẳng hạn, năm 2004, chính phủ Indonesia đã đưa ra chiến
lược phát triển dài hạn cho thời kỳ 2005-2025 với các sứ mệnh nhằm hiện thực
hóa xã hội Indonesia tự cường, tiên tiến, công bằng và thịnh vượng thông qua 4
kế hoạch phát triển trung hạn, mỗi kế hoạch sẽ hoàn thành các mục tiêu cho từng
thời kỳ bao gồm: kế hoạch 2004-2009, thực hiện cải cách và phát triển trên tất
cả các lĩnh vực; kế hoạch 2010-2014, củng cố hơn nữa những cải cách của
Indonesia trên tất cả các lĩnh vực; kế hoạch 2015-2019, nhằm mục tiêu phát
triển theo cách thức toàn diện và kế hoạch 2021-2025 hiện thực hóa mục tiêu của
cả thời kỳ như đã nêu trên.
Để hoàn thành các mục
tiêu chiến lược trong kế hoạch phát triển dài hạn 2005-2025, trong lĩnh vực xã
hội, những nhiệm vụ chủ yếu được đề ra bao gồm: hiện thực hóa một xã hội
Indonesia có đạo đức, văn hóa, văn minh dựa trên nền tảng Pancasila nhằm mục
tiêu nâng cao bản sắc và tính cách quốc gia; hiện thực hóa một xã hội dân chủ
dựa trên nguyên tắc của luật pháp; hiện thực hóa một nước Indonesia an ninh,
hòa bình và thống nhất; hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước công bằng và
bình đẳng; hiện thực hóa Indonesia phát triển cân đối và bền vững…Đáng chú ý là
chiến lược trong kế hoạch trung hạn đầu tiên (2004-2009) đã đề ra hai nhiệm vụ
quan trọng là chiến lược cải cách và chiến lược phát triển Indonesia, trong đó
xác định rõ: chiến lược phát triển Indonesia phải nhằm hai mục tiêu là
đáp ứng các quyền cơ bản của người dân và tạo ra nền tảng cho quá trình phát
triển vững chắc. Trong đó, người dân có các quyền cơ bản như quyền có việc
làm, thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, quyền được pháp luật bảo vệ, được đảm bảo
an ninh, công bằng, tiếp cận với các nhu cầu, điều kiện sống cơ bản, quyền được
thụ hưởng hệ thống giáo dục, y tế, tham gia hoạt động chính trị, tôn giáo… Nền
tảng để đạt được sự phát triển bền vững đòi hỏi phải có nền kinh tế ổn định, tự
cường, tỉ lệ tăng trưởng cao, có sự đảm bảo và kiên định của luật pháp, nâng
cao năng lực quốc gia và chất lượng sống của người dân.
Nội dung bài viết rất hữu ích, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa