65 năm qua, lời dạy của Người vẫn là kim chỉ nam cho ngành Y
tế trong xây dựng và phát triển. Những thành tựu quan trọng trong phát triển mạng
lưới y tế, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, từng bước củng
cố, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở và đổi mới phương thức hoạt động, năng lực
dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh của các cơ sở y tế dự phòng, phòng và
khống chế được các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được thế giới ghi nhận.
Đồng thời, đạo đức nghề, phong cách, thái độ phục vụ và trình độ chuyên môn của
đội ngũ những người công tác trong ngành Y tế được chú trọng, nâng cao, xuất hiện
ngày càng nhiều tấm gương y, bác sĩ tận tuỵ chăm sóc, cứu chữa người bệnh được
xã hội trân trọng, ghi nhận.
Tuy nhiên, hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở còn nhiều đầu
mối, chưa đồng bộ, thiếu ổn định, hoạt động chưa hiệu quả, chưa phù hợp với biến
đổi mô hình bệnh tật, mất an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, già hóa dân số để
đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân... Trong khi đó,
dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, y đức trở thành vấn đề bức xúc.
Những biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy định và đạo đức của ngành mặc dù chỉ là
những “con sâu làm rầu nồi canh”, song cũng gây ảnh hưởng xấu đến sự thanh cao
của nghề y, làm tổn hại đến danh dự của những làm nghề chân chính, tận tâm cống
hiến cho nghề nghiệp cao quý này.
Để phát triển và nâng cao chất lượng công tác của ngành Y tế,
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về
“Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân” ra đời
(Nghị quyết 20). Tinh thần và nội dung của Nghị quyết không chỉ thể hiện sâu sắc
3 chỉ đạo có tính định hướng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Y tế,
mà còn bổ sung và hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu của đất nước trong bối cảnh
toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo đó, toàn ngành cùng đoàn kết, chung tay xây dựng một nền
y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của
nhân dân. Trong đó, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo
hướng công bằng - hiệu quả - phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, để mọi người
dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số,
trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải
đảo… được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, có chất lượng.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện Quyết định số
2088/BYT-QĐ, 12 điều về y đức của Bộ Y tế, Thông tư số
07/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về “Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức,
người lao động tác cơ sở y tế” và Quyết định số 2151/QĐ-BYT phê duyệt kế
hoạch thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới
sự hài lòng của người bệnh” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó có lời dạy “lương y phải như từ mẫu” của
Người, đồng thời đưa Nghị quyết 20 vào cuộc sống, đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động toàn ngành trên mọi miền đất nước đã và đang không ngừng
nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện
bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Trên tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm, toàn ngành tiếp
tục nỗ lực đổi mới toàn diện, tăng cường y tế cơ sở, hướng tới bao phủ sức khỏe
toàn dân thông qua nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ; trong đó, có nâng cao
năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở và nâng cao trình độ
chuyên môn và chất lượng khám, chữa bệnh tới sự hài lòng của người bệnh. Tập
trung đổi mới toàn diện phong cách, thái hộ phục vụ của nhân viên y tế đối với
người bệnh, xây dựng môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp, đảm bảo mọi người
dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch
vụ y tế có chất lượng.
Cùng với đó, đội ngũ những người công tác trong ngành trên khắp
mọi miền của Tổ quốc nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện
và trau dồi y đức, bồi đắp lòng nhân ái, lương tâm và tinh thần trách nhiệm, giữ
gìn phẩm chất cao đẹp của những người thầy thuốc “Lương y phải như từ mẫu” để
không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân
dân./.
Tất cả mọi lời dạy của Bác Hồ còn giữ nguyên giá trị, chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt.
Trả lờiXóaTư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo
Trả lờiXóa