Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

HỒ CHÍ MINH - MỘT MẪU MỰC VỀ NÊU GƯƠNG

Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện và nêu gương về đạo đức cách mạng mà Người còn là một mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Ở Người, thống nhất giữa nói đi đôi với làm không chỉ là nguyên tắc đạo đức, là lẽ sống mà còn là biểu hiện sinh động của sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng, đạo đức và tác phong. Ở bất kỳ thời điểm nào, Hồ Chí Minh cũng luôn nhất quán thực hành đạo đức, tu dưỡng đạo đức, kiên quyết phê bình, đấu tranh phòng và chống bệnh nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo, nói mà không làm. Tất cả những việc Người nói, những việc Người làm đều không ngoài một “sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Hồ Chí Minh luôn nêu gương sáng về đạo đức, nhất quán giữa nói và làm, nhất là tự mình gương mẫu làm làm trước. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nguy cơ “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” vẫn đang đe dọa nền độc lập dân tộc vừa giành được. Trong tình thế cấp bách đó, Người đã kêu gọi toàn dân thực hiện “Sẻ cơm nhường áo”: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Đồng thời, khi “Hô hào nhân dân chống nạn đói”, Người cũng nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu gương và thực hành trước và nhấn mạnh rằng, “đối với chữ CẦN, chữ KIỆM, chữ HY SINH, chữ CÔNG BẰNG thì các bạn phải thực  hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”.
Là người đứng ở đỉnh cao quyền lực nhưng trong quan hệ và ứng xử, Hồ Chí Minh không bao giờ dựa vào quyền lực, dùng quyền lực để hưởng đặc quyền mà luôn chấp hành quy định, pháp luật của một công dân. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (6/1/1946), tại Hà Nội, 118 Chủ tịch các Ủy ban nhân dân và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đáp lại tình cảm tin yêu đó, Người viết thư cảm tạ và đề nghị đồng bào để mình được thực hiện quyền công dân: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ra ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi  xin thành thực cảm tạ đồng bào nam, phụ, lão ấu khu vực ngoại thành Hà Nội”.
Cuộc sống đời thường của Người trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như khi đã là một nguyên thủ quốc gia cũng vẫn giản dị, tiết kiệm như là lẽ sống của Người. Khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Người chuyển về sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, nhưng đã khước từ ngôi nhà sang trọng của Toàn quyền Ðông Dương trước đây mà chỉ ở ngôi nhà của người thợ điện. Trong mỗi chuyến đi thăm và làm việc tại các địa phương, nhất là các chuyến đi trong ngày, Người thường mang theo cơm nắm với muối vừng, vì không muốn địa phương phải chăm lo cho mình… Vì thế, đến với vị lãnh tụ luôn sống cuộc đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đến với khung cảnh thiên nhiên trong lành của Phủ Chủ tịch, từ các đồng chí lãnh đạo cao cấp đến những người dân lao động bình thường, từ chính khách đến em nhỏ mồ côi đều cảm thấy tự tin và ấm lòng. Trước một Hồ Chí Minh hiền hậu như một nhà hiền triết phương Đông, trong một khung cảnh thiên nhiên đầy hoa thơm và cá lội… phần tốt trong mỗi con người dường như được nhân lên, cái ác sẽ không còn chỗ để chung sống nữa.
Là một lãnh tụ xa lạ với quyền lực, Hồ Chí Minh coi việc mình làm Chủ tịch nước là do nhân dân ủy thác cho, là “người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, là “người đày tớ trung thành của đồng bào”. Đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng từng viết: Hồ Chí Minh là kiểu người lãnh đạo hiếm thấy. Ngay từ những ngày đầu tiên Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Người đã thẳng thắn nói: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân”; đồng thời, “luôn luôn từ chối nắm quyền lực” và Hồ Chí Minh thường “nêu ra vai trò tập thể Bộ Chính trị, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng chính phủ. Người dứt khoát bác bỏ tham vọng quyền lực, chỉ muốn sẻ bớt cho người khác, nhưng làm việc hết sức mình với tinh thần trách nhiệm gương mẫu”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp cách mạng là bắt đầu giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng cho những người yêu nước, cho thanh niên, quần chúng nhân dân, chủ yếu là cho đảng viên và cán bộ. Suốt đời, Bác quan tâm việc đó. Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục đạo đức cách mạng mà còn là hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân ta”.
Hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, trước khi đi xa về cỗi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh không hối hận điều gì, “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Chúng ta học được từ tấm gương của Hồ Chí Minh - một vĩ nhân giản dị cho mình và cũng giản dị cho đời trong cốt cách đời thường. Việc riêng của Người cũng là việc chung của dân tộc, nên chuẩn bị cho chuyến đi xa vĩnh viễn của mình, Người căn dặn “sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân…. Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn….Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”. Sự nêu gương của Hồ Chí Minh, sự thống nhất giữa nói và làm của người đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Bao trùm lên tất cả ở Hồ Chí Minh là sự quên mình vì mọi người, chính là sự ham muốn duy nhất, ham muốn tột bậc của Người là làm sao mang lại thật nhiều hạnh phúc cho dân, cho nước. Cuộc sống hoàn toàn không chút bợn riêng tư, đã tạo nên ở Người một cái gì vô cùng trong sáng”.
Cuộc đời Hồ Chí Minh và đức độ của Người là hiện thân của sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản trong thời đại mới, mà biểu hiện rực rỡ nhất là tình đoàn kết quốc tế trong sáng. Hồ Chí Minh không chỉ yêu Tổ quốc và nhân dân mình, Người còn luôn mơ ước, phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp, hòa bình và hạnh phúc cho tất cả những người cùng khổ. Là Người trân trọng truyền thống của dân tộc mình, song Hồ Chí Minh không bao giờ để cho chủ nghĩa dân tộc ràng buộc mình, hoặc trái lại biến dần thành chủ nghĩa dân tộc. Không chỉ dừng lại ở điều đó, dường như chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa chủng tộc, bài ngoại hay biệt lập đều xa lạ với Hồ Chí Minh, xa lạ với lý tưởng cao đẹp của Người: “Cho đến những ngày cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trung thành với những nguyên tắc cao cả của chủ nghĩa quốc tế vô sản, thể hiện mối liên hệ qua lại khăng khít và biện chứng giữa tính dân tộc và tính quốc tế”. Cuộc đời Hồ Chí Minh thực sự là một tấm gương đạo đức và nhân cách thanh cao của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn thống nhất giữa nói và làm, mà “gia đình của Người là Nhân dân, là Đảng và Tổ quốc. Bởi lẽ đó, tất thảy điều gì Hồ Chí Minh dạy và làm, thì mọi người đều ngưỡng mộ và làm theo không chút đắn đo”.

2 nhận xét:

  1. Mọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta thật tự hào là người con của Việt Nam, là con cháu Bác Hồ; chúng ta nguyện sẽ suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa