Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ LÀM THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự bùng nổ của công nghệ thông minh đang minh chứng cho sự phát triển theo đường xoáy ốc của lịch sử với những tác động to lớn, mạnh mẽ và sâu sắc. Nhân loại đang đứng trước cuộc cách mạng có thể thay đổi hoàn toàn cách con người sống, làm việc và quan hệ giữa con người với nhau. Sự phát triển hiện nay của lực lượng sản xuất dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học - công nghệ đang đưa nhân loại tới những mô hình phát triển rất mới, như Cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội siêu thông minh 5.0.

Cách mạng công nghiệp 4.0 làm biến đổi nhanh chóng nền công nghiệp ở mọi quốc gia với tốc độ cấp số nhân. Nó không chỉ làm thay đổi toàn bộ diện mạo đời sống xã hội mà còn làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống con người. Trí tuệ nhân tạo với khả năng học máy, kết nối tế bào thần kinh nhân tạo và xây dựng mô thức đang tái hiện khả năng nhận thức của con người, ở cấp độ cao hơn trên nền tảng dữ liệu lớn và công nghệ đột phá 5G.

Hiện tại, thế giới đang ở trong giai đoạn đầu vàng son của thời đại kỹ thuật số mới và Mỹ đang là chủ thể được hưởng lợi với các công ty công nghệ siêu quốc gia, như Google, Amazon, Apple, Facebook... cùng khả năng gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn hơn nhiều, với lợi thế độc quyền tiếp cận một lượng dữ liệu khổng lồ. Những quốc gia không kịp đổi mới sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh và sẽ cản trở sự điều chỉnh trên thế giới. Sự chia rẽ này sẽ ngày càng gay gắt hơn khi công nghệ mới được áp dụng phổ biến và đặt ra tình thế khó khăn mà thế giới và loài người đang phải đối mặt.

Sự biến động do chuyển đổi công nghệ sẽ dẫn đến thất nghiệp, xáo trộn xã hội và chia rẽ chính trị nội bộ. Phân hóa giai tầng xã hội ở các nước theo các xu hướng khác nhau sẽ tạo ra những tác động chính trị toàn cầu. Thực tế chính trị quốc tế thời gian qua cho thấy sự phân hóa giữa các quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa. Các nước dù có xuất phát điểm thấp, nhưng nỗ lực phát triển với chiến lược, tầm nhìn xa thì sẽ giành được những thành quả quan trọng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh diễn ra gay gắt trên quy mô toàn cầu khiến một số nước, đặc biệt là các nước tư bản phát triển nhất lại đang cảm thấy bất lợi, bị tổn thương, người dân bất mãn khi tiền lương đình trệ, mất việc vào tay người lao động nước ngoài và khoảng cách thu nhập ngày càng tăng. Sự tích tụ những mâu thuẫn này có nguy cơ dẫn đến gia tăng chủ nghĩa dân túy, cực hữu và cực đoan trên toàn thế giới với các dạng thức mới như chủ nghĩa dân túy kết hợp với chủ nghĩa dân tộc. Đó còn là các nguy cơ của chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, chính trị cường quyền, hành xử đơn phương gây nguy hại cho quốc gia, dân tộc và cả nhân loại. Nước lớn gia tăng các hành động cưỡng chế, đe dọa và áp đặt nước nhỏ, bỏ qua hoặc tìm cách tước đoạt chủ quyền và lợi ích quốc gia của nước nhỏ, bất chấp các chuẩn mực ứng xử và luật pháp quốc tế.

1 nhận xét:

  1. Nhân loại đang đứng trước cuộc cách mạng có thể thay đổi hoàn toàn cách con người sống, làm việc và quan hệ giữa con người với nhau.

    Trả lờiXóa