Độc lập, tự chủ và hội nhập
quốc tế là mối quan hệ biện chứng, tất yếu, khách quan, tác động qua lại lẫn
nhau, thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau. Trong cương lĩnh và văn kiện của Đảng ta,
mối quan hệ biện chứng giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế được thể hiện
rất rõ. Một trong các bài học được rút ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ
rõ mối quan hệ này, cụ thể là: "Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời
đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, trong bất cứ hoàn cảnh nào cần
kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy
cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực". Văn kiện đại hội Đại hội XI của Đảng cũng nêu rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam
thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, nội
dung cần thực hiện: Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình hợp
tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế… Đặc biệt, chú trọng
xử lý và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và
phát triển… giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Các văn kiện Đại hội XII,
XIII đều tiếp tục khẳng định những nội dung nêu trên, cụ thể hoá mối quan hệ
độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế cho từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Thực
hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình hữu nghị, hợp tác
và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất
lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương
Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn
diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực,
có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, văn kiện cũng nhấn mạnh bảo
đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của nhà
nước với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh đối ngoại song
phương với nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của
Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp
tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những
vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả
năng và điều kiện cụ thể. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song
phương với các đối tác, đặc biệt là với các đối tác chiến lược, đối tác toàn
diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và gia tăng độ tin
cậy. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc
lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh
hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ
quyền quốc gia.
Đường lối, chính sách đối ngoại xuyên suốt của Đảng ta đều được khẳng định trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, là mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Mối quan hệ này được cụ thể hoá qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, phù hợp điều kiện, bối cảnh phát triển cụ thể trên cơ sở của nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết, bảo đảm hội nhập quốc tế luôn dựa trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập vì lợi ích đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Quá trình này cũng thể hiện sự phát triển của cả nhận thực và thực tiễn từ chú trọng hội nhập kinh tế đến hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác là điều kiện và hỗ trợ cho hội nhập kinh tế. Từ hội nhập đơn tuyến sang đa tuyến trên tất cả các cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu. Đối ngoại độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế là chính sách nhất quán trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Chỉ có độc lập tự chủ mới phát triển đất nước mạnh mẽ
Trả lờiXóa