Trên bản đồ COVID, màu
xanh dường như đã trở thành một sắc màu mang tới sự lạc quan, niềm tin và hy vọng.
Đó là màu xanh từ những “vùng xanh” hay còn được gọi là “vành đai xanh”- vành
đai an toàn không COVID -19. Xây dựng “vùng xanh” trong cuộc chiến chống COVID
-19 đang là giải pháp nhằm giảm mức độ từ vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) thành
vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ (vùng vàng) và tiến tới trở thành địa
bàn an toàn - vùng xanh. Tùy vào đặc thù cụ thể, từng địa phương đã và đang triển
khai nhiều cách làm, giải pháp quyết liệt để mở rộng “vùng xanh” với phương
châm củng cố, phát triển ngay từ cơ sở, địa bàn dân cư. Bảo vệ “vùng xanh” ở cấp
độ “tế bào” (tổ dân phố, ngõ, xóm) được xem là “vaccine cộng đồng”, mũi giáp
công hiệu quả trong chiến lược chuyển hướng từ phòng ngự sang phản công.
Tại những cuộc làm việc với
các bộ, ngành, địa phương về phòng, chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều
nhấn mạnh thông điệp, phải có cách tiếp cận mới và triển khai các giải pháp quyết
liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Các bộ, ngành, địa phương liên quan hết sức
chú ý việc củng cố, bảo đảm an toàn các “vùng xanh”. Nhiều ý kiến đánh giá, mô
hình “vùng xanh” cũng như việc phân vùng xanh, đỏ, vàng để có cách thức chống dịch
phù hợp, là một cách tiếp cận mới so với trước, để chủ động phòng ngừa dịch
ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhất là khi biến thể Delta có hệ số lây nhiễm
R0 rất cao.
Thiết lập “vùng xanh”
trên không gian mạng cũng cần thiết không kém “vùng xanh” trong cộng đồng. Để
thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tin giả trên mạng xã hội, tránh việc
người dân bị hoang mang, dao động đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của
Nhà nước ta, đã đến lúc chúng ta cần thiết lập một “vùng xanh” trên Internet
theo hướng nhận diện tin giả và “vùng xanh” như sau:
Thứ
nhất, tăng cường các kênh thông tin chính thống đa dạng phủ
sóng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) để người dân có
thể nhận diện được thông tin đúng đắn và tạo sự đề phòng, tính cảnh giác của bản
thân khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền khác không chính thống trên
không gian mạng. Từ đó tạo thói quen có sự tham khảo khi sử dụng thông tin, nhất
là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không
xác thực.
Thứ
hai,
đối với các kênh tin giả, thông qua các kênh thông tin ở “vùng xanh” để giúp
người dân có thể nhận diện được các đặc điểm như: Tin giả thường có tiêu đề hấp
dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, thường có vẻ
khó xảy ra trong thực tế nhưng được viết dưới dạng khẳng định để thu hút sự chú
ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin
giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống.
Thứ
ba, tin
giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi
chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần
là ảnh lấy trên mạng rồi chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm
tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google
for image” và nguồn gốc, địa điểm, thời gian. Về mốc thời gian sử dụng trong
bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực
tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời
gian đăng tải. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin
giả được tạo ra dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được thêm thắt,
thổi phồng, làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là người dân khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, mang tính kích động, gây hoang mang dư luận, có biện pháp tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu độc. Không chia sẻ, bình luận, like các bài viết đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng. Để nắm các thông tin chính trị, kinh tế - xã hội, tình hình dịch COVID -19, người dân cần tham khảo trang thông tin của các ban, bộ, ngành và cơ quan chức năng, thu thập, tiếp nhận thông tin ở các tờ báo chính thống, có uy tín những thông tin thuộc “vùng xanh”.
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóa