Nước ta quá độ lên CNXH tuy không còn có sự giúp đỡ của Liên Xô và các
nước XHCN như trước, nhưng trong giai đoạn mới của thời đại, khi cách mạng khoa
học-công nghệ và toàn cầu hóa đời sống thế giới, tất cả các nước đều ở trong mối
liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, không một nước nào sống biệt lập mà có thể phát triển
được. Sự hợp tác kinh tế với các nước bằng nhiều hình thức sinh động trên
nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, không
can thiệp vào công việc nội bộ của nhau dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ tranh thủ
vốn, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý, phục vụ cho việc phát
triển kinh tế đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng cơ sở vật
chất-kỹ thuật của CNXH. Đó cũng là một khả năng thực tế mà chúng ta đã và đang
cố gắng tận dụng, đưa nước ta hòa nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Mặt
khác, không chỉ có thời cơ mà còn có cả những thách thức, những nguy cơ. Trong
hợp tác kinh tế với các nước, nhất là với các nước tư bản phát triển, là những
trung tâm kinh tế, kỹ thuật hùng mạnh, họ có thể lợi dụng ưu thế về vốn, kỹ thuật
và công nghệ hiện đại để gây sức ép đối với chúng ta, nhất là trong những lúc
chúng ta gặp khó khăn, buộc chúng ta phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho
họ, hòng lái chúng ta đi chệch khỏi định hướng XHCN. Mặc dù hòa bình, hợp tác,
phát triển là xu hướng của thời đại nhưng còn một xu hướng khác đối lập là xu
hướng cường quyền, áp đặt. Mưu toan của các thế lực cường quyền, hiếu chiến
đang thể hiện trong các điểm nóng trên nhiều khu vực của thế giới, đang là những
mưu toan độc chiếm các vùng biển đảo, xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước
khác.
Đó là những
thách thức, những nguy cơ mà chúng ta cần có sự nhận thức sâu sắc và tỉnh táo,
không một chút mơ hồ, mất cảnh giác, để có những chủ trương, biện pháp ngăn ngừa,
đối phó hữu hiệu. Chúng ta thực hiện phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh
trên cơ sở giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc về mục tiêu chiến lược và mềm
dẻo linh hoạt về sách lược. Đấu tranh không phải để phá vỡ hợp tác mà để phát
triển sự hợp tác. Phải biết khéo tận dụng thời cơ, tranh thủ quan hệ với các nước
lớn trong xu hướng đa cực hóa để mở rộng sự hợp tác vừa có lợi, vừa bảo vệ được
mình và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất, bảo vệ độc lập,
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây
dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Một vấn đề nữa
cũng không kém phần quan trọng là khi nước ta hội nhập vào kinh tế khu vực và
kinh tế thế giới, chúng ta cũng chịu sự tác động hai chiều tích cực và tiêu cực
đến kinh tế của nước ta. Tác động tích cực khi kinh tế khu vực và kinh tế thế
giới ổn định phát triển, tác động tiêu cực khi kinh tế thế giới và kinh tế khu
vực rơi vào trì trệ khủng hoảng. Chúng ta cần có chính sách sử dụng tốt mặt
tích cực và ngăn ngừa, hạn chế mặt tiêu cực, giữ cho nền kinh tế nước ta ổn định
và phát triển. Đây là bài học thực tế đã xử lý trước những tác động tiêu cực của
cơn khủng hoảng tài chính-tiền tệ và khủng hoảng kinh tế trong khu vực và thế
giới trong thời gian qua.
Như vậy, từ một
nước kinh tế kém phát triển, nếu chúng ta biết tranh thủ những thời cơ, những
thuận lợi và biết vượt qua những thách thức, những nguy cơ, chúng ta có thể
“phát triển rút ngắn” lên XHCN bỏ qua chế độ TBCN theo quan điểm của V.I.Lênin,
người đã có đóng góp to lớn vào lý luận về sự “phát triển rút ngắn” và Chính
sách kinh tế mới (NEP). Nó đã được thực tiễn khảo nghiệm mà ngày nay Đảng ta
đang vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta.
Xuất phát từ tình hình như thế, chúng ta có thể tin tưởng vững chắc rằng Việt Nam đang trong tư thế vươn tầm, kiên định con đường đã lựa chọn, đã có đủ sức lực và trí tuệ để tiến bước cùng thế giới, tiến cùng thời đại; nhất định thực hiện được mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trả lờiXóa