Công tác phòng, chống dịch
Covid-19 ở Việt Nam hiện đã được đẩy lên một cấp độ mới. Ngành y tế tăng công
suất xét nghiệm của các đơn vị lên gấp từ hai đến ba lần so với các đợt dịch
trước; từng cấp, từng ngành đã chủ động có phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn
sàng cho mọi tình huống. Bởi vậy, theo đánh giá của Chính phủ, tình hình dịch bệnh
trong nước cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, những thành quả
từ sự nỗ lực của cả xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp, của ngành y tế trong
công tác phòng, chống dịch Covid-19 hoàn toàn có thể “đổ xuống sông,
xuống biển”, nguy cơ bùng phát dịch ở diện rộng rất lớn nếu như vẫn còn những
trường hợp thiếu ý thức và tinh thần trách nhiệm, thiếu tự giác, phản ứng bất hợp
tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế thậm chí cố tình vi
phạm các quy định phòng, chống dịch như trốn cách ly, không tuân thủ
quy định cách ly, tụ tập đông người, khai gian trong hồ sơ khai báo y tế... Những
ngày qua, nước ta đã ghi nhận thêm một số ca bệnh mới bùng phát trong cộng đồng,
nguyên nhân khởi phát được cơ quan chức năng xác định từ người bệnh thiếu ý thức
phòng bệnh cho cộng đồng. Đơn cử như người bệnh số 2.899 tại Hà Nam đã không
tuân thủ quy định cách ly tại nhà, vẫn tiếp xúc với người khác để dịch bệnh lây
lan cho nhiều người. Mới đây, là trường hợp hai vợ chồng (người bệnh 3.633 và
3.634) tại TP Hà Nội đã không khai báo y tế theo quy định, làm lây lan bệnh cho
ba người. Nhiều nơi ở Hà Nội đã bị tạm phong tỏa vì liên quan hai người bệnh
nêu trên. Cơ quan chức năng cho rằng, đây là một trong những trường hợp điển
hình không tuân thủ các quy định của ngành y tế trong phòng, chống dịch dẫn
đến lây nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiếp tục
phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm phòng, chống dịch như: Tổ chức
đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; trốn khỏi các khu cách
ly tập trung; không tuân thủ quy định cách ly tại nhà; không thực hiện khai báo
y tế hoặc khai báo gian dối...
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ
đạo xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm, kể cả đối với cán bộ,
công chức nhà nước, không nể nang, né tránh vì đây là công tác liên quan sức khỏe,
tính mạng của nhân dân. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các hành vi
che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh
truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo
yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền… đều bị nghiêm cấm, có thể bị xử lý
hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc cơ quan chức năng nhanh
chóng vào cuộc, họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc vi
phạm quy định phòng, chống dịch đối với người bệnh 3.634; đình chỉ hoạt
động khám, chữa bệnh đối với Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc (quận Cầu Giấy,
Hà Nội) để xác minh, xử lý các thông tin liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử
lý ca bệnh Covid-19 và các địa phương tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm phòng,
chống dịch thời gian qua… cho thấy các hành vi vi phạm đều bị xử phạt
nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm.
Trước diễn biến phức tạp
của dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước cùng với việc thực hiện nghiêm,
quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách
nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa,
ngăn chặn dịch bệnh. Mọi người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình
hình dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, có những biện pháp bảo
vệ phù hợp, kịp thời. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp
5K, với mục đích để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng trước đại dịch
Covid-19. Mỗi người dân và gia đình cần gương mẫu tuân thủ nghiêm các quy định phòng,
chống dịch. Tránh tụ tập ăn uống, tổ chức liên hoan, sinh hoạt tập thể, đồng thời
chủ động phát hiện, tố giác và thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương những
trường hợp nhập cảnh trái phép, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch tại
nơi cư trú. Đó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn
từ đại dịch. Đây sẽ là những “chốt chặn” quan trọng nhất để cùng với lực lượng
tuyến đầu thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước
ta.
Bên cạnh đó, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát người bệnh đến khám, chữa bệnh để tránh tình trạng lây nhiễm Covid-19 tại bệnh viện. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở y tế không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận các trường hợp nguy cơ hoặc nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, làm tăng nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.
Mọi người dân phải chung tay diệt dịch
Trả lờiXóa