Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

VAI TRÒ CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO TRONG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN AN SINH XÃ HỘI BỀN VỮNG

Quản lý phát triển an sinh xã hội bền vững là vấn đề chiến lược, có vị trí quan trọng trong tổng thể hệ thống quản lý phát triển xã hội bền vững của quốc gia nhằm xây dựng một xã hội ổn định, hài hòa, đồng thuận, bao trùm, không có sự loại trừ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là chỉ báo thể hiện bản chất, tính ưu việt của một chế độ. Là quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp, để thực hiện hiệu quả quản lý phát triển an sinh xã hội bền vững, việc xây dựng chính phủ kiến tạo và phát huy cao nhất vai trò của chính phủ kiến tạo là rất cấp thiết đối với Việt Nam. Xây dựng chính phủ kiến tạo trong quản lý phát triển an sinh xã hội bền vững là bước chuyển mạnh từ chính phủ thực hiện chức năng quản lý là chính sang chính phủ vừa là chủ thể quản lý, vừa là chủ thể phục vụ nhân dân. Trong xây dựng chính phủ kiến tạo quản lý phát triển an sinh xã hội bền vững, vấn đề cơ bản là phải xác định rõ vai trò của chính phủ và vai trò của thị trường, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội trong bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Chính phủ quản lý, đóng vai trò chủ đạo, đồng thời sử dụng cơ chế thị trường phù hợp và phát huy tinh thần tự an sinh của người dân, mở rộng sự tham gia của cộng đồng, xã hội trong một thể chế “chính phủ nhỏ, xã hội lớn”. Đây chính là “phong cách mới quản trị xã hội” của chính phủ kiến tạo quản lý phát triển an sinh xã hội bền vững một cách dân chủ, văn minh. Xây dựng chính phủ kiến tạo quản lý phát triển an sinh xã hội bền vững sẽ đạt yêu cầu kép là chính phủ mạnh và thị trường mạnh, vừa phát huy vai trò, thế mạnh của chính phủ, vừa tăng cường vai trò, ưu thế của thị trường trong quản lý phát triển an sinh xã hội bền vững.

Chính phủ kiến tạo được xây dựng và phát triển phải có đủ năng lực quản lý phát triển an sinh xã hội bền vững trên cơ sở xác định đúng, khoa học vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức. Đây là giải pháp vĩ mô quan trọng và muốn thành công phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, như có quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị; nghiên cứu, đổi mới tư duy lý luận về mô hình chính phủ kiến tạo, có lộ trình chuyển từ mô hình chính phủ quản lý là chính sang mô hình chính phủ quản lý và phục vụ trên cơ sở kế thừa, phát triển những yếu tố tích cực của Chính phủ trong các giai đoạn trước, đặc biệt chú ý đến tính ưu việt của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa Việt Nam. Trong đó, ưu tiên xây dựng một nền hành chính công hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, nói không với tham nhũng quyền lực; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao trong bộ máy hành chính; hiện đại hóa hoạt động của hệ thống chính phủ, bảo đảm các bộ, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương, cơ sở liên quan đến quản lý an sinh xã hội bền vững đáp ứng yêu cầu của xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ điện tử, chính phủ số.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải luôn tin tưởng vào các quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ

    Trả lờiXóa