Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG, CHỐNG TIN GIẢ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự đa dạng các nền tảng mạng xã hội đã biến không gian mạng thành một thế giới ảo rộng lớn, nơi con người ở quốc gia này có thể gặp gỡ giao lưu với con người ở quốc gia khác mà không cần phải di chuyển hay lo về ngôn ngữ bất đồng. Đây cũng là môi trường để một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước triệt để lợi dụng với những phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, đã tiến hành xây dựng hệ thống kênh tin truyền thông trải đều trên các nền tảng mạng xã hội như you tobe, face book, blog, instagram… với lượt người theo dõi và tương tác lớn như BBC Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt, RFI Tiếng Việt, Chân trời mới, Việt Tân… Đi liền với đó là tập hợp các đối tượng chống đối, bất mãn, một số cá nhân có tư tưởng, nhận thức sai lệch, gom vào các group, hội, nhóm kín như “Công dân - góc nhìn báo chí”; “Đấu trường dân chủ”… để cung cấp tin, hình ảnh, đưa ra các bài viết, bình luận, lan truyền chia sẻ những thông tin sai sự thật về tình hình dịch COVID -19 tại Việt Nam.

Có thể nói, việc sử dụng mạng xã hội khi xảy ra các vụ việc nhạy cảm, phức tạp hay các vấn đề thu hút sự chú ý của người dân như công tác phòng, chống dịch COVID - 19 để xuyên tạc, bịa đặt, tiến tới kích động luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến tình hình an ninh, trật tự và hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Không chỉ tập trung vào bôi xấu, phủ nhận, lên án các cá nhân, tổ chức và Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chúng còn dùng chiêu bài ca ngợi để dễ dàng lừa bịp, xuyên tạc… Điển hình như câu chuyện “bác sĩ Trần Khoa” để thấy, tin giả đã gây nhiễu loạn thế nào đối với đời sống xã hội. TP Hồ Chí Minh đã qua hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa hết nóng. Số ca mắc COVID-19 mỗi ngày vẫn ở số hàng nghìn, người bệnh tử vong vẫn tăng hằng ngày, đội ngũ nhân viên y tế làm việc căng như dây đàn... Trong bối cảnh đó, ngày 7-8, trên mạng xã hội xuất hiện status của nick name Trần Khoa. Facebook này chia sẻ câu chuyện vô cùng cảm động, quyết định hy sinh tình thân khi rút máy thở của mẹ mình để cứu sản phụ... đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Status của “bác sĩ Trần Khoa”, hình ảnh 2 bé sơ sinh vừa chào đời ngoài “thông điệp” về sự hy sinh cao cả của vị bác sĩ, còn khiến người ta bàng hoàng, hoang mang về sự quá tải nghiêm trọng của hệ thống y tế. Nhưng, chỉ sau vài giờ, nhiều tài khoản mạng xã hội đã chỉ ra sự bất thường trong bài viết của “bác sĩ Khoa”, nhất là khi họ chỉ ra 2 bức ảnh trẻ sơ sinh đó được đăng tải trên tài khoản của bác sĩ Cao Hữu Thịnh vào thời điểm trước ngày 7-8. Khi khởi tạo tin giả này, hẳn kẻ chủ mưu đã nghĩ đến việc đăng tải thêm 2 bức ảnh để tạo nên sự tin cậy. Nhưng, chính sự “tin cậy” này đã bị cộng đồng mạng bóc phốt. Và, sự thật được phơi bày khi bác sĩ Cao Hữu Thịnh (bác sĩ từng công tác ở Bệnh viện Từ Dũ), người bế trên tay 2 bé sơ sinh đã lên tiếng, chính ông chứ không phải ai khác đã đón 2 bé chào đời vào 2 thời điểm khác nhau chứ không phải song sinh.

Ngày 8-8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lên tiếng xác nhận, câu chuyện của “bác sĩ Khoa” được đăng tải trên mạng xã hội là hư cấu. Hiện, Công an Tp Hồ Chí Minh đang xác minh, làm rõ nguồn gốc “bác sĩ Khoa”.

Thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, từ năm 2020 đến nay, đơn vị này và công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4, Cục đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự 1 đối tượng ở TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật. Những con số nêu trên cho thấy, Cơ quan công an đã nỗ lực thế nào để dẹp nạn tin giả ăn theo dịch COVID-19. 1.800 đối tượng bị xử lý đã tung ra bao nhiêu con “virus tin giả” độc hại? Những con “virus” này đã cản trở, phá hoại nỗ lực phòng, chống dịch trong làn sóng dịch COVID-19 thứ nhất, thứ hai, thứ ba và làn sóng thứ tư như thế nào? Rõ ràng, tính chất phức tạp, độ tinh vi của kẻ khởi tạo tin giả ngày càng cao tay hơn.

Do đó, cần nâng cao việc nhận diện âm mưu, thủ đoạn, ý đồ của một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước xuyên tạc, bịa đặt về tình hình phòng, chống dịch COVID -19 tại Việt Nam, góp phần nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm của người dân trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp là điều hết sức cần thiết.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông LeBoss cho rằng: “Công chúng cần phải tìm cách tự miễn dịch với tin giả, bằng cách chậm lại, cẩn trọng, tỉnh táo kiểm chứng các thông tin mình đọc được từ các nguồn tin không chính thống, kiểm tra tính chính danh và thẩm quyền của nguồn tin”. Còn Thiếu tá Lê Tiến Cường, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo: “Người dùng mạng xã hội khi tiếp nhận thông tin cần xem xét kỹ nội dung, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế, xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Chúng ta cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy”.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay có rất nhiều thông tin xấu độc tràn lan trên các trang MXH, người đọc nên chọn những trang chính thống

    Trả lờiXóa