Toàn cầu hóa và sự phát triển của nền kinh tế thế giới kéo theo những biến
đổi của xã hội. Khái niệm “công dân toàn cầu” đưa lại một quan niệm mới về giá
trị quốc gia, về chính trị, văn hóa và quản lý nhà nước... Sự phát triển của xã
hội hiện đại cũng làm cho người lãnh đạo, quản lý khó khăn hơn trong việc nhận thức
và kiên định những mục tiêu tập thể cần theo đuổi trước cám dỗ của lợi ích vật
chất và sự lấn át của chủ nghĩa cá nhân. Hơn nữa, trong bối cảnh hòa bình, mối
đe dọa đối với sự tồn vong của dân tộc dù không được biểu hiện rõ ràng, nhưng
không vì thế mà nguy cơ đối với khát vọng độc lập, tự chủ lại giảm đi.
Do vậy, điều trước hết cần thực hiện trong lúc này là phải nêu cao, làm sâu
sắc, lan tỏa khát vọng tự cường phát triển của dân tộc Việt Nam - một Việt Nam
giàu mạnh, phát triển, hạnh phúc, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách
nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cần nêu rõ: Lúc này hoặc là dân tộc, đất nước tự
cường phát triển, thành công hoặc là không bao giờ, bị gạt ra ngoài lề của sự
phát triển, lúng túng trong “bẫy thu nhập trung bình”, để rồi rơi vào trì trệ,
suy thoái; phải nêu cao, làm sâu sắc và lan tỏa khát vọng tự cường dân tộc
trong tâm trí mỗi người dân, đặc biệt là khát vọng dám dấn thân, dám hy sinh
cho lợi ích chung của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ
cấp chiến lược.
Thách thức lớn nhất đối với chúng ta hiện nay chính là nhận diện và đối mặt
với chính bản thân mình, là xác định được vị trí của mình và quyết tâm hành
động hướng tới và hiện thực hóa khát vọng đó. Ở khía cạnh kinh tế, mặc dù Việt
Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 35 năm đổi
mới, với tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng so với các nền kinh tế thành công
của châu Á ở cùng giai đoạn của trình độ phát triển, thì vẫn còn khiêm tốn.
Trong giai đoạn 1965 - 1995, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình
10% - 15%; Trung Quốc và Xin-ga-po cũng đều đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 9% -
10%/năm liên tục trong hơn 30 năm. Khi nhiều vấn đề của đất nước đều dựa trên
nền tảng cơ sở kinh tế, Đảng cần xác định, nêu cao, lan tỏa được một khát vọng
phát triển kinh tế xứng tầm.
Thách thức cần vượt qua nữa là mức độ sẵn sàng và thích ứng đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta vẫn còn ở mức thấp. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm các nước “non trẻ”: xếp hạng 72/100 quốc gia về cấu trúc kinh tế; 90/100 về đổi mới và công nghệ, trong đó 92/100 về nền tảng công nghệ và 77/100 về năng lực sáng tạo; 70/100 về nguồn nhân lực, trong đó 81/100 về lao động có chuyên môn, 70/100 về sự sẵn sàng của đội ngũ chuyên gia và kỹ sư, 75/100 về chất lượng giáo dục đại học và 80/100 về chất lượng đào tạo nghề. Đó là những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, việc nghiêm túc xác định khát vọng dân tộc và quyết tâm trong hành động trên bình diện quốc gia hướng tới hiện thực hóa khát vọng đó là một đòi hỏi bức thiết.
Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiêm túc xác định khát vọng dân tộc và quyết tâm trong hành động trên bình diện quốc gia hướng tới hiện thực hóa khát vọng đó là một đòi hỏi bức thiết
Trả lờiXóa