Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO LÝ LUẬN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Bằng phương pháp tiếp cận khoa học, sáng tạo, sát thực tiễn đất nước, Hồ Chí Minh, luôn trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo các nguyên lý đó vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người đã bổ sung nhiều luận điểm góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ giá trị thực tiễn của việc nghiên cứu, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh.

Trước hết, về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Từ luận điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin: Cách mạng vô sản sẽ nổ ra và giành thắng lợi ở những nước tư bản phát triển; cách mạng vô sản có thể nổ ra và thắng lợi ở một số nước, thậm chí là một nước riêng lẻ của chủ nghĩa đế quốc và cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc cần phải liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa. Người đã phát triển thêm một bước nhận thức lý luận khi cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có quan hệ chặt chẽ với cách mạng chính quốc, nhưng không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng chính quốc. Nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có thể giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc và qua đó, thúc đẩy cách mạng chính quốc.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc giải quyết vấn đề dân tộc và giai cấp tại Việt Nam. Từ thực tiễn Việt Nam lúc bấy giờ là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, Người xác định con đường cách mạng vô sản tại Việt Nam phải là cách mạng giải phóng dân tộc rồi mới đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng năm 1930, Người khởi thảo: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nhận thức lý luận đó hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam và nguyện vọng của quảng đại quần chúng nhân dân.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển một cách sáng tạo lý luận Mác - Lênin về đảng cộng sản vào việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Người xác định, Đảng là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Người đã dày công xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; quan tâm giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, mỗi cán bộ, đảng viên “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển lý luận Mác - Lênin về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng. Người khẳng định, động lực cơ bản của toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta là đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đó để quy tụ, tập hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của các lực lượng yêu nước với thế trận chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dựa trên nguyên tắc pháp quyền. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sau khi cách mạng vô sản thắng lợi, giai cấp vô sản sẽ thiết lập nên nền chuyên chính vô sản. Trên nền tảng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển một hệ thống các quan điểm sáng tạo về nhà nước kiểu mới: Tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, một nhà nước của nhân dân, chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do nhân dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do nhân dân tổ chức nên, được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Thứ sáu, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy quan điểm Mác - Lênin làm nền tảng để phát triển tư duy, lý luận về văn hóa, đạo đức và quan hệ quốc tế trong tiến trình cách mạng Việt Nam: Về văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa có tính dân tộc đó là củng cố, phát huy và khắc phục những thiếu hụt những giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo những giá trị văn hóa mới; về đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng; về đoàn kết quốc tế: kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để hoàn thành sự nghiệp cách mạng nước nhà, đóng góp cho phong trào cách mạng thế giới.

Những luận điểm sáng tạo về tư duy lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nỗ lực tìm tòi, khám phá không ngừng, bằng trí tuệ mẫn tiệp, kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm thực tiễn với nghiên cứu, lý luận. Thực tiễn biến đổi không ngừng, vì vậy, lý luận phải không ngừng vận động và phát triển để phù hợp với thực tiễn./.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta thật tự hào là người con của Việt Nam, là con cháu Bác Hồ; chúng ta nguyện sẽ suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa