Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

NGUYỄN VĂN ĐÀI LẠI ĐIÊN CUỒNG CHỐNG PHÁ ĐẢNG

Mới đây, trên trang mạng xã hội Nguyễn Văn Đài lại giật tít: Chiến thắng nỗi sợ để xóa bỏ độc tài Cộng sản. Với dã tâm của kẻ phản động, quyết chống phá Đảng, Nhà nước ta đến cùng, y đã cố tình phủ nhận những thành tựu mà đất nước và nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc, kích động, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, cho rằng: “trong chế độ độc Đảng Cộng sản toàn trị thì đảng cộng sản cũng như chính quyền Cộng sản là khinh thường người dân, chà đạp lên các quyền con người”. Nhưng chính thực tiễn đã bác bỏ toàn bộ những lời xuyên tạc, phản động của y, bởi vì:

Thứ nhất, ở Việt Nam, quyền con người, quyền làm chủ của Nhân dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Điều 2 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Tiếp đến, trong khoản 1 Điều 14 Chương II Hiến pháp ghi rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Và trên thực tế, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng Nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực để các quyền của Nhân dân đã hiến định nêu trên được bảo đảm, ngày càng được hiện thực hóa trong cuộc sống.

Sau 35 năm đổi mới, đến năm 2020 nền kinh tế đất nước đạt 343 tỷ đô la, đưa Việt Nam nằm trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Sự tăng trưởng kinh tế là cơ sở, tiền đề để Nhà nước chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh, văn hóa xã hội. Điều đó được thể hiện ở “Chỉ số phát triển con người” (HDI). Theo Báo cáo “Phát triển con người năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 9-12-2019, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, điều này giúp Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đó, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020). Cả nước hiện có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả của toàn xã hội.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, việc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quyết tâm bằng mọi biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu trước đại dịch Covid-19. Những thành tựu mọi mặt về nhân quyền Việt Nam đạt được đã khẳng định, chứng minh sự ưu việt của chế độ xã hội, được Liên hợp quốc và nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế, chuyên gia trên các lĩnh vực khác nhau ca ngợi, đánh giá rất cao. Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) ở Việt Nam thì: Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong phát triển con người gần đây là rất đáng tự hào. Điều ấn tượng là Việt Nam, một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng lại đạt kết quả cao cho xếp hạng chỉ số phát triển con người trên thế giới.

Thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước không ngừng được nâng cao.

Từ một nước nghèo, kém phát triển, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thuộc nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nếu năm 1988, thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới chỉ đạt 86 đô la/người/năm, thì đến nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân gần 3.200 đô la/người (năm 2020). Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản; làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như: ghép chi, tim, gan, thận…; kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có COVID-19.  Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia đáng sống và làm việc nhất thế giới (theo Báo cáo Toàn cầu HSBC’s Expat 2019 do Ngân hàng HSBC công bố) và là 1 trong 10 quốc gia an toàn nhất thế giới (theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và hòa bình Australia công bố năm 2020)

Đến nay Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, đối tác toàn diện với 13 nước, trong đó có tất cả năm nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã tham gia có hiệu quả vào các định chế khu vực và toàn cầu, nhất là các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, ghi đậm dấu ấn về sự chủ động, tích cực trong vai trò Chủ tịch luân phiên lần thứ hai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín cao trong năm 2020. Việt Nam được thế giới đánh giá là “ngôi sao sáng của châu Á”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền con người, quyền làm chủ của Nhân dân Việt Nam được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày một nâng cao là những bằng chứng xác thực bác bỏ luận điệu phản động của Nguyễn Văn Đài. Qua đó cho thấy một điều duy nhất: Các thế lực thù địch luôn “điên cuồng” chống phá Đảng ta, phá hoại cuộc sống hạnh phúc của nhân dân ta, hòng mưu cầu cho những lợi ích cá nhân đen tối. Chúng đáng bị lên án và trừng trị một cách nghiêm khắc./.


1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá đất nước thì các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, làm rõ và tìm ra các đối tượng phản động, để xử lý thật nghiêm minh.

    Trả lờiXóa