Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

PHÁP LUẬT VIỆT NAM BẢO VỆ CÁC QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ, NHƯNG KHÔNG DUNG THỨ CHO HÀNH VI LỢI DỤNG TỰ DO, DÂN CHỦ ĐỂ VI PHẠM PHÁP LUẬT, CHỐNG PHÁ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Các quyền tự do, dân chủ luôn là các quyền thiêng liêng, cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng tự do chưa bao giờ và không bao giờ là tự do chung chung, tự do vô bờ bến. Điều này được thể hiện rõ nét trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Pháp luật Việt Nam chỉ hạn chế quyền tự do của những người lợi dụng pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Ví dụ, khoản 1, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc quy định chỉ hạn chế quyền tự do của những người lợi dụng pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng cũng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Cụ thể là, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) đề cập cụ thể trong một số điều quy định về các quyền có thể chịu sự giới hạn (Điều 4, Điều 19). Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 đưa ra các giới hạn đối với quyền tự do ngôn luận theo đúng định nghĩa của nó (Điều 4, Điều 10, Điều 11).

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn tiêu cực, thù địch trên in-tơ-nét, Ủy ban châu Âu (European Commission) đã ký Quy tắc ứng xử về chống lại lời nói có nội dung tiêu cực, thù địch bất hợp pháp trực tuyến với Google (YouTube), Facebook, Twitter và Microsoft năm 2016. Instagram, Google+, Dailymotion, Snap và Jeuxvideo.com sau đó đã tham gia Quy tắc này.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm quyền dân chủ, sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, dân chủ phải gắn với kỷ cương, thượng tôn pháp luật. Thông qua đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội, bảo đảm quyền giám sát, phản biện xã hội của các chủ thể. Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể, ủng hộ phản biện xã hội chân chính để hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Nhưng việc lợi dụng cái gọi là bất tuân dân sự để cổ xúy và bảo vệ những hành vi vi phạm pháp luật, cổ xúy cho việc gây trở ngại đến hoạt động công quyền cần phải được ngăn chặn, đẩy lùi./.

1 nhận xét:

  1. Cần phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp coi thường kỷ cương phép nước

    Trả lờiXóa