Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, với
khoảng 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo. Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo được khẳng định tại Hiến pháp 2013.
Đặc biệt, việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm
2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp
lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 lần đầu tiên xác nhận
các tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại; giảm thời gian hoạt động tôn
giáo ổn định, liên tục để công nhận tổ chức tôn giáo từ 23 năm xuống còn 5 năm,
điều chỉnh nhiều thủ tục từ đăng ký-cấp phép, đề nghị-chấp thuận sang hình thức
thông báo (thông báo người được phong phẩm, suy cử, thuyên chuyển, bãi nhiệm chức
sắc, hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo...); điều chỉnh thẩm quyền chấp thuận
các hoạt động lớn của các tổ chức tôn giáo giúp tinh giảm các thủ tục hành
chính. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt đối với tội “Xâm phạm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.”
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt
Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng,
tôn giáo, đặc biệt là việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định
hướng dẫn thi hành đạo luật này. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân
được bảo đảm với hàng nghìn lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm.
Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng
đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận
tư cách pháp nhân. Năm 2016, Ban đại diện Giáo hội các thánh hữu ngày sau của
Chúa Giê-su Kitô (Mormon) đã được công nhận và Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn đã
được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
Tháng 8/2018, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam được
cấp đăng ký hoạt động. Hai tổ chức Tin lành đang được hướng dẫn làm hồ sơ đăng
ký. Ngoài ra, hàng ngàn điểm nhóm Tin lành được bảo đảm sinh hoạt tôn giáo tại
các địa điểm hợp pháp.
Việt Nam có 60 cơ sở đào tạo tôn giáo, thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Từ năm 2015-2017, Việt Nam đã cho thành lập mới năm cơ sở đào tạo tôn giáo gồm: Học viện Công giáo, Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu, Học viện Truyền giáo Cao Đài, Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo, Trường Thánh kinh Thần học Cơ đốc.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa