Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ VỀ XÂY DỰNG VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

Thứ nhất, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn lực con người - động lực quyết định nhất cho phát triển bền vững đất nước

Trong hệ thống động lực phát triển đất nước, Hồ Chí Minh luôn cho rằng xét cho đến cùng, con người chính là nguồn động lực quan trọng nhất, quyết định nhất. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển. Vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục, đào tạo cần phải tiếp tục được coi là quốc sách hàng đầu, chiến lược “trồng người” phải trở thành một trong những chiến lược trọng tâm, hợp thành chiến lược phát triển đất nước. Cần giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đức - trí - thể - mỹ, có thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, có trách nhiệm công dân. Cần phát huy nhân tố con người để mỗi người Việt Nam đều trở thành động lực góp phần phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc biệt là giá trị yêu nước

Việt Nam là một quốc gia giàu truyền thống văn hóa tốt đẹp. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, một số giá trị văn hóa dân tộc đang mai một; một số loại hình văn hóa truyền thống có nguy cơ bị biến mất; nhiều luồng văn hóa ngoại lai, biến tướng được tiếp nhận ồ ạt... Trước thực trạng đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc lan tỏa, thấm sâu vào thế hệ trẻ, để các thế hệ tương lai thêm yêu nước, yêu văn hóa dân tộc, yêu “sử ta” như Hồ Chí Minh từng dặn phải “cho tường gốc tích” nước nhà Việt Nam. Vì vậy, dù ở bất cứ thời điểm nào, giáo dục và phát huy chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ tạo nên nguồn sức mạnh to lớn cho đất nước. phát triển tinh thần yêu nước cũng chính là phát triển giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc ta.

Thứ ba, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hóa với phát triển con người

Văn hóa được coi là một “trụ cột” để phát triển bền vững đất nước, nhưng “trụ cột” văn hóa có mạnh, có kết hợp với các “trụ cột” chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh để mang lại sự “vững bền” hay không là phụ thuộc vào nhân tố con người. Con người phát triển toàn diện thì không chỉ “trụ cột” văn hóa mà các “trụ cột” khác như kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh cũng được bảo đảm vì con người chính là yếu tố “nhân hòa” để thực hiện phát triển “hài hòa” các yếu tố cho phát triển bền vững. Con người càng phát triển các giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp cũng được giữ vững và nâng cao. Như vậy, muốn phát triển văn hóa phải chăm lo, phát huy nhân tố con người, phát triển văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với phát triển con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét