Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

NHỮNG ĐIỂM KHÁC CƠ BẢN TRONG NHẬN THỨC VỀ THỰC HIỆN TIẾN BỘ GẮN CÔNG BẰNG XÃ HỘI GIAI ĐOẠN TRƯỚC VÀ SAU ĐỔI MỚI

Từ chỗ đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản sang thừa nhận giá trị nhân loại của kinh tế thị trường và sáng tạo nên nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khẳng định đây là mô hình tất yếu để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Từ chỗ Đảng, Nhà nước bao cấp toàn bộ trong giải quyết việc làm và thực hiện chính sách xã hội chuyển sang Nhà nước tạo cơ chế để các giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, xã hội cùng tạo việc làm cũng như giải quyết các vấn đề xã hội. Đây chính là sự kế thừa và phát triển sáng tạo tinh thần Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH.

Từ chỗ quan niệm chính sách xã hội như là chính sách hỗ trợ của Nhà nước chuyển sangkhẳng định chính sách xã hội cũng là chính sách phát triển. Từ chỗ chưa đặt đúng vị trí, vai tròchính sách xã hội trong tương quan với chính sách kinh tế đã đi đến nhận thức về sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất biện chứng giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, xem phát triển kinh tế là cơ sở, tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội và xem việc thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Từ chủ trương tạo lập cơ cấu xã hội thuần nhất sang chủ trương xây dựng xã hội đa dạng, trong đó, các giai tầng xã hội đều có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm chính đáng và cùng hướng theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ chỗ nhấn mạnh lợi ích tập thể, xem nhẹ lợi ích cá nhân sang giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích, nhất là các lợi ích thiết thân của cá nhân người lao động. Từ chỗ phân phối bình quân, đơn điệu sang thực hiện đa dạng hình thức phân phối: dựa vào kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, dựa vào mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội. Đây là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng hợp lý trong CNXH: “Làm nhiều hưởng nhiều,làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”...

Từ chỗ phủ nhận phân hóa giàu nghèo đi đến khuyến khích làm giàu hợp pháp và tích cực xóa đói, giảm nghèo, xem đây là điều kiện cần thiết nhằm thực hiện hệ mục tiêu của CNXH, trong đó có mục tiêu dân giàu và công bằng, văn minh. Về điểm này, chủ nghĩa Mác-Lênin cũngđã luận chứng rằng, trong thời kỳ quá độ lên CNXH và trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản, sẽ không tránh khỏi hiện tượng, “người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia, người này vẫn giàu hơn người kia”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét