Tại cuộc họp báo thường kỳ
chiều 4-11 diễn ra theo hình thức trực tuyến, trả lời câu hỏi về phản ứng của
Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu, Quần đảo Trường
Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam có
đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo
Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền
và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình xác lập phù hợp với Công ước của
Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việt Nam kiên quyết, kiên
trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp
pháp và chính đáng đó.
Việc các tàu Trung Quốc
hoạt động trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của
Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định
của UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của
các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc
rút tàu cá khỏi khu vực nói trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí
thực hiện UNCLOS 1982; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC; tạo môi trường thuận lợi cho
việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc;
đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển
tại khu vực.
Trả lời câu hỏi của phóng
viên đề nghị Bộ Ngoại giao đánh giá về việc “5 nhà báo điều hành fanpage Báo Sạch
trên Facebook bị buộc tội đăng tải thông tin xuyên tạc và tuyên án tù”, Phó
phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, chính sách nhất quán của
Việt Nam tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí.
Điều này được quy định cụ
thể trong Hiến pháp năm 2013, các văn bản pháp luật liên quan và được thể hiện
rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua. Những
nỗ lực và thành tựu của Việt Nam đều được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh
giá cao.
Như ở các quốc gia khác,
tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền con người để vi phạm pháp luật đều bị
xử lý theo quy định pháp luật. Vụ việc đã được báo chí đưa tin công khai, quá
trình điều tra, xét xử theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật Việt
Nam.
“Ngoài hành vi bị xét xử trong vụ án này, các bị cáo đã bị tước thẻ nhà báo từ nhiều năm trước vì có hành vi sai phạm, gây ảnh hưởng đến cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Họ không thể được coi là nhà báo”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét