Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ CỦA THUYẾT “TAM QUYỀN PHÂN LẬP”

Trước chế độ dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa, mọi quyền lực nhà nước đều tập trung trong tay một cá nhân. Để chấm dứt chế độ này và đặt nền móng cho sự hình thành các thể chế tự do, dân chủ, một học thuyết của nhiều học giả tư sản đã được nêu ra, đó là thuyết “Tam quyền phân lập”. Theo học thuyết này, quyền lực nhà nước không phải là một thể thống nhất, mà phân chia thành 3 quyền: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau. Theo học thuyết này, quyền lực nhà nước phân chia thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, không chỉ để chuyên môn hoá các quyền mà quan trọng hơn là để giữa các quyền có sự giám sát, chế ước lẫn nhau, tạo nên sự cân bằng về quyền lực giữa các cơ quan công quyền. Mỗi cơ quan được quyền hoạt động trong lĩnh vực của mình, không có quyền trong lĩnh vực khác, nhưng có quyền ngăn chặn cơ quan khác. Quyền lực ngăn chặn quyền lực chính là điểm cốt yếu trong chủ trương phân chia quyền lực. Cơ quan hành pháp không có quyền thông qua luật. Nhưng có quyền ngăn chặn lập pháp biểu quyết những đạo luật có hại cho quốc gia... Ngược lại cơ quan lập pháp có quyền kiểm soát cơ quan hành pháp và khi luật lệ ban hành không được áp dụng thì cơ quan lập pháp truy tố các cộng sự của nhà vua. Cơ chế kiềm chế và đối trọng mà học thuyết “Tam quyền phân lập” đưa ra nhằm mục đích giám sát và ngăn chặn lạm dụng quyền lực. Trong đó mỗi tổ chức sử dụng quyền lực nhà nước đều có sự độc lập cần thiết, đồng thời có quyền và phương tiện tương xứng để giám sát hoạt động của các cơ quan khác, tạo thế cân bằng về quyền lực giữa các cơ quan. Đây chính là cơ sở lý luận để hình thành nguyên tắc kiềm chế đối trọng trong tổ chức và hoạt động của nhà nước được xác định trong hiến pháp tư sản.

Có thể nói, ưu điểm quan trọng nhất của học thuyết “Tam quyền phân lập” là tránh được sự chuyên quyền, độc tài trong thực hiện quyền lực nhà nước. Loại bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài. Với cơ chế kiềm chế và đối trọng, kiểm tra và chế ước lẫn nhau giữa ba nhánh quyền lực đã loại trừ được nguy cơ tập trung tất cả quyền lực nhà nước vào tay một cá nhân, nhóm người hay một cơ quan quyền lực duy nhất nào đó- nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tha hoá trong quá trình thực thi quyền lực.

 Tuy nhiên thuyết “Tam quyền phận lập” còn tồn tại nhiều hạn chế. Với nguyên tắc “kiềm chế - đối trọng tuyệt đối”, thuyết tam quyền phân lập đã có phương pháp tư duy cơ giới - nhìn nhận mọi việc theo hướng tách biệt, không có mối liên hệ với nhau. Mặt khác, bản thân học thuyết phân quyền chứa nhiều yếu tố bất hợp lý, do việc đề cao sự phân quyền một cách tuyệt đối nên chưa thấy rõ được những phương thức kiểm soát quyền lực ngoài nhà nước, mất đi vai trò giám sát thường xuyên của nhân dân. Nếu thiếu sự giám sát này, việc phân lập các quyền cũng không giải quyết được vấn đề khi mà trên thực tế, ba quyền đều thuộc về liên minh của các nhóm chính trị. Việc phân quyền tuyệt đối ở các nước tư bản dẫn đến nạn tranh giành quyền lực thường xuyên giữa các đảng chính trị, các nhóm xã hội khác nhau để nắm một quyền hay toàn bộ quyền lực nhà nước. Trong điều kiện thiếu đạo đức chính trị và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện thì sự tranh giành quyền lực này sẽ gây ra mất ổn định chính trị - xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Hiện nay, trên thế giới không có một khuôn mẫu cố định của học thuyết nhà nước pháp quyền để áp dụng cho mọi nhà nước. Việc thiết kế cấu trúc của quyền lực nhà nước phải xem xét đến những yếu tố tác động như truyền thống chính trị, môi trường lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển… Chính vì vậy, không thể khẳng định được rằng: mô hình phân quyền tuyệt đối là ưu việt.

1 nhận xét:

  1. Mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá đất nước

    Trả lờiXóa