Chiến thắng Điện Biên Phủ
đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống
Đa trong thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột
phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc.
Theo đánh giá của tướng
H.Navarre và các nhà quân sự Pháp-Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược
quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục
giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar)
và Trung Quốc. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó
đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều
kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của Việt Nam”. Đánh giá Điện
Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi
đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20/11/1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm
binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và
các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh
tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất
Đông Dương.
Tính đến tháng 3/1954, tại
Điện Biên Phủ đã có 12 tiểu đoàn và bảy đại đội bộ binh, ba tiểu đoàn pháo
binh, một đại đội xe tăng, một phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Sau này
trong quá trình chiến dịch, quân Pháp tăng viện thêm bốn tiểu đoàn, hai đại đội
lính dù, tổng cộng có 17 tiểu đoàn, phần lớn đều là lính tinh nhuệ. Ngoài ra
còn có các quân chủng pháo binh, công binh, thiết giáp, phân đội hỏa pháo. Tổng
số quân tăng lên hơn 16.000 người và 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện
của không quân Mỹ.
Tại Hội nghị phổ biến nhiệm
vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 diễn ra cùng thời điểm
quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
cho rằng, “địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng
Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta. Vô luận
rồi đây, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản
là có lợi cho ta."
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính
trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí
thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư
lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm -
Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp.
Với những nỗ lực cao nhất,
Việt Nam đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều tầng
lớp nhân dân hăng hái lên đường tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ như
công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sỹ… Và đã có biết bao tấm gương hy sinh
trên đường ra trận, nhiều anh hùng quên mình xả thân cho cuộc kháng chiến. Chiến
thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tự lực cánh
sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự
do của dân tộc Việt Nam.
Đầu tháng 3/1954, thời
gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với
phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm ba phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt
tiến công vào Điện Biên Phủ.
Đợt một của chiến dịch Điện
Biên Phủ mở màn ngày 13/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc
vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt hai diễn ra ngày 30/3/1954,
đánh vào phân khu trung tâm. Đợt ba chiến dịch diễn ra ngày 1/5 và kết thúc
ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt
toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu,
hy sinh, gian khổ, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm
Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ
đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi
vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược
(1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định
Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để
dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Những cột mốc đáng nhớ
trong chiến dịch Điện Biên Phủ
20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, manh nha ý định xây dựng căn cứ quân sự ở đây và ngăn chặn quân chủ lực Việt Nam chiếm đóng Tây Bắc.
03/12/1953, Navarre chính
thức quyết định xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau khi nghiên cứu, xem
xét và cân nhắc những điều kiện thuận lợi tại thung lũng lòng chảo phía Tây Bắc
Việt Nam. Quyết định này đưa tới sự ra đời của tập đoàn cứ điểm “chưa từng thấy”
ở Đông Dương với 49 cứ điểm mạnh mẽ, được đầu tư viện trợ tối đa và binh lực và
hỏa lực và sự dẫn dắt, chỉ huy của Đại tá De Castries.
06/12/1953, Bộ Chính trị
quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông - Xuân
1953 - 1954 của ta với Thực dân Pháp, đồng thời cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm
Bí thư kiêm Tổng tư lệnh mặt trận.
26/01/1954, Tổng tư lệnh
mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm tác chiến từ
“Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.
31/01/1954, Sở chỉ huy
chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển vị trí đóng quân đến khu rừng Mường Phăng trên
đại điểm xã Mường Phăng, huyện Điện Biên cách Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
khoảng 40km đường bộ và khoảng hơn 15km đường chim bay.
13/3/1954, Sau khi chuẩn
bị kỹ lưỡng về mọi mặt, ta chính thức mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ tại Trung
tâm đề kháng Him Lam, một trong những cụm cứ điểm mạnh nhất của Pháp nằm phía
Đông Bắc Tập đoàn cứ điểm.
31/3/1954, Đợt tấn công
thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhiệm vụ tập trung vào dãy cao điểm
phía Đông, khu sân bay Mường Thanh, thừa cơ tiến vào khu trung tâm, nơi có Sở
chỉ huy của De Castries.
01/5/1954, Đợt tấn công
cuối cùng nhằm kết thúc số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được tiến
hành. Nhiệm vụ quan trọng nhất là tiêu diệt nốt A1 và C2, thừa cơ tiến hành tổng
công kích.
06/5/1954, vào lúc 20 giờ
30 phút, khối bộc phá 960kg nổ trên Đồi A1 báo hiệu ngày tàn của Tập đoàn cứ điểm
Điện Biên Phủ.
07/5/1954, sau khi mở được
chiếc chìa khóa cuối cùng A1, quân ta từ các hướng tiến thẳng vào hầm chỉ huy của
De Castries. Không có sự kháng cự, De Castries cùng Bộ chỉ huy quân Pháp và sau
đó là toàn bộ quân đồn trú từ các hầm trú ẩn và các cứ điểm ra hàng.
21/7/1954, Hiệp định Gionever được ký kết, Pháp và các nước tham gia công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, rút quân khỏi Đông Dương./.
chỉ có Việt Nam mới làm được điều mà cả thế giới khâm phục
Trả lờiXóa