Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

QUYẾT LIỆT HƠN NỮA TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG SUY THOÁI CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4, KHÓA XIII

Sau Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Với 17 lần sử dụng từ khóa “tăng cường”, Kết luận số 21-KL/TW đã nhấn mạnh, làm rõ hơn các vấn đề, nhận định, đánh giá, giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, đồng thời, cụ thể hóa một số yêu cầu mới đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Kiên quyết đấu tranh, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, là tinh thần chủ đạo.

Từ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, tiếp tục xác định 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề ra cần phải thực hiện; đồng thời, bổ sung 02 nhóm giải pháp liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trịCụ thể:

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tínngang tầm nhiệm vụ

Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta. Kết luận số 21-KL/TW đã khẳng định: “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng và đấu tranh phòng, chống suy thoái trong nội bộ. 

Hai là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm

Điểm mới của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là cùng với việc tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Đảng còn nhấn mạnh đến việc “xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm”. Việc chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với quyết tâm rất cao theo đúng phương châm “không có vùng cấm”, “không có ưu tiên” trong xử lý sai phạm đã phản ánh bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, Trung ương Đảng đã nhất trí ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, hết tuổi công tác. Đối với công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, phải phù hợp với chức danh quy hoạch; bảo đảm cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ, khắc phục tình trạng khép kín trong công tác cán bộ. Những yêu cầu này khẳng định Đảng đã mạnh tay hơn trong xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh và kiên quyết thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế. Tăng cường phối hợp đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trước hết là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Chú trọng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực.

1 nhận xét: