Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

NIỀM TIN CỦA NGƯỜI DÂN VÀO CHÍNH QUYỀN TRONG PHÒNG, CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19

Từ khi dịch xuất hiện ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh, kiên quyết và đã khống chế, kiểm soát dịch một cách hiệu quả. Đại dịch cũng là thời điểm người dân trải nghiệm và thêm tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. Kết quả nghiên cứu khảo sát của Tổ chức Dalia Research (Đức) diễn ra từ ngày 24/3- 26/3/2020 về đo lường cảm nhận của người dân liên quan tới mức độ phản ứng chính sách hiện tại (bao gồm ba mức độ: quá ít, phù hợp, và quá nhiều) của chính phủ nước họ đối với đại dịch Covid-19 trên địa bàn 45 nước của tất cả các châu lục, Chính phủ Việt Nam đạt được mức độ tín nhiệm cao nhất từ người dân. Theo đó 62% số người được phỏng vấn tại Việt Nam cho rằng các biện pháp đang được thực hiện được cho là “ hợp lý”. Vì lẽ đó, những chỉ dẫn, những thông điệp của Chính phủ, của ngành y tế đều được người dân thực hiện.

Chứng kiến những điều đã diễn ra, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhận xét: “Những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa qua khiến chúng tôi thực sự ấn tượng vì hiệu quả của nó. Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam hoạt động rất tốt và chứng tỏ niềm tin của người dân với chính quyền”.

Tuy nhiên, trên thực tế nơi này hay nơi khác, có lúc cũng xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, đây đó còn xuất hiện những luận điệu xuyên tạc sự thật làm nhiễu loạn thông tin, nhằm hạ thấp những nỗ lực của chính phủ. Malhotra - điều phối viên của Liên hợp quốc cho rằng thật không công bằng khi đánh giá thấp thành công của Việt Nam. Ông cho hay: "Nhiều người cho rằng chính phủ nước này không đánh giá minh bạch dữ liệu chuẩn. Điều đó hoàn toàn bịa đặt. Mọi số liệu đều được cập nhật từng ngày, từng giờ và hoàn toàn không có bất cứ sự cưỡng chế hay ép buộc nào". Các thông tin, dữ liệu được cập nhật theo giờ và minh bạch tới toàn dân là cơ sở để người dân vững tin vào Chính phủ và là bức tường thép cản thông tin sai lệnh làm nhiễu loạn lòng dân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác, đồng thuận của mỗi người dân trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng. Ngay từ khi dịch mới xuất hiện ở Việt Nam mọi người dân đã thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, người dân nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ, của các lực lượng chức năng về việc phòng chống dịch như: quán triệt và tuân thủ thông điệp 5K, thực hiện giãn cách xã hội khi cần thiết, chia sẻ các nguồn lực trong phòng chống dịch, phát hiện, tố giác và thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương những trường hợp nhập cảnh trái phép, vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Đây được coi là những “chốt chặn” quan trọng nhất để cùng với lực lượng tuyến đầu thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Dù đây là xu hướng chủ đạo đã được thể hiện trong thời gian qua, song cũng không thể phủ nhận thực trạng có không ít những trường hợp chủ quan, không trung thực trong khai báo ý tế, không nghiêm túc thực hiện cách ly, cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch… Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm phức tạp thêm tình hình dịch bệnh trong những ngày gần đây.

Để phát huy những giá trị tinh thần trong phòng chống dịch bệnh, hiện nay cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền. Đặc biệt coi trọng các hình thức tuyên truyền và đấu tranh trên không gian mạng; cần có những hình thức khen thưởng, cổ vũ kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức có những đóng góp, cống hiến; bên cạnh đó, cần có những hình thức xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe với những vi phạm.

Việc ứng phó với đại dịch ở nước ta chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh không thể bền vững nếu thiếu đi ý thức, sự tham gia của cả cộng đồng.

1 nhận xét:

  1. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác, đồng thuận của mỗi người dân trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng.

    Trả lờiXóa