Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

THỰC CHẤT CHIÊU BÀI “TỰ DO NGÔN LUẬN”, “TỰ DO BÁO CHÍ” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là vấn đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị thường lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên nhiều trang mạng hoặc trang tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam thường xuất hiện các ý kiến, bài viết xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam như đưa ra bảng xếp hạng hết sức sai trái về tự do báo chí ở Việt Nam; công bố danh sách, trao giải thưởng “Anh hùng thông tin; “Tiền hô hậu ủng” những đối tượng dán mác “nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, “nhà báo tự do”. Đặc biệt, vào những thời điểm các cơ quan chức năng, bảo vệ pháp luật của Việt Nam khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng lợi dụng tự do, dân chủ tuyên truyền, chống phá chính quyền Nhà nước, thì các thế lực thù địch bên ngoài và những người còn thù hằn với chế độ lại rêu rao đó là "hành động bóp nghẹt tự do ngôn luận", "triệt tiêu quyền tự do báo chí", hoặc "ra sức ngăn cản những người bất đồng chính kiến"... Thực chất chiêu bài “tự do ngôn luận” “tự do báo chí” là nhằm phi chính trị báo chí nước ta, tách rời báo chí khỏi sự lãnh đạo của Đảng, khiến báo chí mất phương hướng chính trị, mất tính chiến đấu. Sự chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị là hết sức thâm độc, nguy hiểm.

Chiêu bài này hoàn toàn trái ngược với thực tế ở Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.  Những quyền cơ bản này không chỉ được hiến định trong hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí.  Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc bảo đảm, thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để khơi dậy, phát huy ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, sức mạnh tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 Tất nhiên, mọi quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí đều phải có giới hạn nhất định. Giới hạn này đặt ra để bảo đảm quyền tự do chính đáng cho số đông mọi người, chứ không phải cho một nhóm ít người nào đó nói năng bừa bãi, phát ngôn bạt mạng, thích gì viết đấy, nói và viết chỉ vì động cơ cá nhân ích kỷ, thiên vị mà không vì sự ổn định, đồng thuận chung của xã hội, cộng đồng. Không riêng ở Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia tuy có cách tiếp cận không giống nhau về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng đều có một nguyên tắc cơ bản là việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia-dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác và ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội.  Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho số đông công dân, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, kiên quyết vạch trần, kịp thời bác bỏ mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí nhằm đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc, tác động tiêu cực dư luận xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, cố tình xuyên tạc, bóp méo, bôi đen sự thật, chống phá sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa