Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN TỰ DO BÁO CHÍ, TỰ DO INTERNET Ở VIỆT NAM

Vừa qua, trên mạng xã hội Vietnamthoibao xuất hiện bài viết của Tử Long: “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”. Nội dung bài viết cho rằng ở Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”… Mục đích của bài viết là cố tình xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin, hòng làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta với nhân dân và với quốc tế.

Bởi vì, việc đảm bảo mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…Việc thực hiện các quy định này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi; Điều 11 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 quy định công dân có quyền: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”. Rõ ràng, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Đồng thời, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 cũng nêu rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân”.

Thực tế cho thấy, những năm qua, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời được triển khai thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam. Báo chí ở Việt Nam đã thể hiện được quyền tự do ngôn luận và đều được quyền thông tin. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; luôn tích cực đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã hội, góp tiếng nói quan trọng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là cầu nối quan trọng với bạn bè quốc tế. Theo nhà báo Phương Hồ (TTXVN ngày 07/7/2021), Việt Nam có khoảng 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh-truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Trong khi đó, sóng của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam. Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người sử dụng Internet (chiếm 70% dân số).

Tại Việt Nam cũng không ai bị xét xử, bắt giữ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật; tung tin giả, tin “xấu độc” hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận… mới bị xử lý theo pháp luật. Đáng tiếc, Tử Long lại cố tình không biết đến những văn bản luật đã được đưa vào thực hiện từ nhiều năm ở Việt Nam. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam.

Chiêu bài mượn danh nghĩa tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước của các phần tử thù địch không đại diện cho quyền lợi, trách nhiệm xã hội của những người làm báo, cản trở và đi ngược lại xu thế đổi mới, phát triển toàn diện của đất nước, cần phải đấu tranh bác bỏ như những luận điệu phản động trên. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi, tự do chính đáng, chúng ta luôn phải đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, kiên quyết vạch trần, kịp thời bác bỏ mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí nhằm đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc, tác động tiêu cực dư luận xã hội, xâm hại an ninh quốc gia, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của chúng là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.

    Trả lờiXóa