Mỗi quốc gia đều có một chế độ chính trị phù hợp với lịch
sử, văn hóa và điều kiện kinh tế-xã hội của mình. Chế độ chính trị mà toàn thể
dân tộc Việt Nam đang đồng lòng, nỗ lực xây dựng là chế độ chính trị pháp quyền
xã hội chủ nghĩa, “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, hướng tới xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội. Đây là vấn đề cốt lõi, hết sức rõ ràng của chế độ chính trị
nước ta. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được quy định rõ trong Hiến pháp của Việt
Nam, mà mới nhất là Hiến pháp năm 2013 (Điều 4 của Hiến pháp năm 2013), phù hợp
với ý chí của toàn dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trước khi được
thông qua, dự thảo Hiến pháp năm 2013 đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi toàn
dân, bằng nhiều hình thức phong phú, cả ở trong nước và ở nước ngoài. Kết quả
lấy ý kiến cho thấy, đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, người dân đều đồng tình
như dự thảo Hiến pháp và cho rằng mục tiêu, lý tưởng của Đảng không có gì khác
hơn là lợi ích của dân tộc, đất nước và nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ: “Quốc hội là cơ quan
đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền
lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối
với hoạt động của Nhà nước”. Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước
cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý
chí, nguyện vọng của nhân dân thành Hiến pháp và pháp luật, thành các quy định
chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp trong xã hội.
Hiến pháp đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với
Nhà nước và xã hội. Điều này không hề làm mất đi vai trò của Quốc hội. Bởi
quyền lực nhà nước ở nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm
soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành
pháp, tư pháp.
Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng đó là sự lãnh đạo có nguyên tắc và theo quy định. “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội vẫn là mối quan hệ biện chứng, hai chiều, nghĩa là Đảng lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo đó vẫn phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không thể đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật đã được Quốc hội thông qua. Đảng lãnh đạo nhưng luôn tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội, không áp đặt, không làm thay, mà định hướng nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội. Đảng lãnh đạo, chứ Đảng không điều hành công việc của Quốc hội.
Bài viết rất hay và rất ý nghĩa
Trả lờiXóaĐảng lãnh đạo nhưng luôn tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội, không áp đặt, không làm thay, mà định hướng nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội.
Trả lờiXóa