Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

NHỮNG SÁNG TẠO LÝ LUẬN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC, CHĂM LO BỒI DƯỠNG CÁC THẾ HỆ CÁCH MẠNG CHO ĐỜI SAU

- Thấm nhuần truyền thống dân tộc và được giáo dục trong môi trường gia đình, cả ông ngoại và cha đẻ cùng làm nghề dạy học, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rất rõ vị trí, vai trò của giáo dục. Khi lãnh nhiệm vụ Chủ tịch nước, Người đặt việc “chống giặc dốt” cũng cần như chống giặc đói và giặc ngoại xâm, khi khẳng định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người coi nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài là một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc đó vì "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài"; “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu"... Ở mức độ cao hơn, nói về vai trò của giáo dục trong sự chấn hưng dân tộc, trong thư  Người gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam mới, tháng 9-1945, có đoạn: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang sánh vai với cường quốc năm châu hay không, điều đó phần lớn phụ thuộc vào công học tập của các em”.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thế hệ trẻ với cách mạng và sự phát triển của dân tộc thể hiện sự sáng tạo mới. Người cho rằng thế hệ trẻ là lực lượng quyết định sự phát triển của cách mạng, của dân tộc, khi ví: “một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của dân tộc”. Người yêu cầu thế hệ trẻ phải vươn mình lên để hoàn thành trọng trách lịch sử đó đồng thời Đảng phải có trách nhiệm bồi dưỡng thế hệ trẻ của Đảng. 

Điểm đáng chú ý trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, bắt nguồn từ thực tiễn kinh nghiệm của Người để quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, cho cách mạng, cử học sinh đi ra nước ngoài học tập. Trong giai đoạn 1927-1941, tranh thủ sự hỗ trợ của Quốc tế Cộng sản, Người đã gửi được một số thanh niên ưu tú sang học trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô. Sau chiến dịch Biên giới năm 1950 và thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa, trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Người đã gửi nhiều học sinh đi du học ở các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là ở Trung Quốc và Liên Xô. Trong kháng chiến chống Mỹ, một số đông học sinh được gửi sang học tại các nước xã hội chủ nghĩa, trở thành lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật nòng cốt trong xây dựng đất nước sau chiến tranh và làm cầu nối hữu nghị với các nước thuộc Liên Xô cũ, Đông Âu, dù cho chế độ xã hội ở các nước này đã thay đổi. Những năm 60 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập nhiều trường học sinh miền Nam trên miền Bắc, đưa nhiều con em các cán bộ lãnh đạo đang chiến đấu ở miền Nam ra miền Bắc đào tạo. Đây là lực lượng cán bộ rất quý báu xây dựng miền Nam sau ngày giải phóng 30.4.1975.

- Biểu hiện tập trung nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng  các thế hệ cách mạng cho đời sau là lời dặn của Người trong bản Di chúc nổi tiếng: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

2 nhận xét:

  1. Thế hệ sau là thế hệ kế tiếp sự nghiệp cách mạng; do đó bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là rất quan trọng và rất cần thiết

    Trả lờiXóa
  2. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.

    Trả lờiXóa