Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

NHỮNG SÁNG TẠO LÝ LUẬN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Vận dụng các tư tưởng đạo đức tốt đẹp của dân tộc và nhân loại là sáng tạo nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tư tưởng về đạo đức. Khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ các bậc vĩ nhân trong lịch sử nhân loại, như Đức Phật Thích ca, Chúa Gie-su, Khổng tử, Lênin, Găng-đi, Tôn Dật tiên…đều là những con người mẫu mực về đạo đức, cống hiến cuộc sống của mình cho loài người. Vận dụng những giá trị đạo đức truyền thống của nhân loại, kết hợp với đạo đức cộng sản, Người khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của đạo đức: Đạo đức là gốc, “như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối”; đạo đức là chỗ dựa của con người chân chính, khi có đạo đức thì “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”. Ngược lại, “người không có đạo đức thì không làm nổi việc gì”...

- Kết hợp những giá trị đạo đức truyền thống với đạo đức cộng sản Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết nên những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam thời đại mới. Từ quan niệm đạo đức của Nho giáo “trung quân ái quốc, hiếu đễ với cha mẹ”, Người nêu giá trị đạo đức mới là: Trung với nước, hiếu với dân. Từ truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc, Người khẳng định phẩm chất đạo đức “Yêu thương con người, sống có nghĩa có tình” của người cách mạng. Kế thừa giá trị đạo đức trong Nho giáo về “tu thân”, Người khẳng định, trong quan hệ đối với mình, ai ai cũng phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong điều kiện của thời đại mới, người cách mạng phải có tinh thần quốc tế quốc tế trong sáng… Những phẩm chất đạo đức mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trên đây thể hiện sự vận dụng sáng tạo những tư tưởng đạo đức truyền thống và hiện tại, làm khuôn mẫu ứng xử trong quan hệ với mình, với người, với việc của mỗi con người.  

- Không chỉ nêu những tư tưởng về phẩm chất đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới. Đó là “Nói đi đôi với làm”; “Phải nêu gương về đạo đức”; “Xây đi đối với chống” và “Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”. Về sự cần thiết phải tu dưỡng đạo đức suốt đời, Người viết: “Một đảng, một dân tộc và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại được mọi người yêu mến và ca ngợi không có nghĩa là hôm nay vẫn được yêu mến và ca ngợi nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. 

2 nhận xét:

  1. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta phải tích cực học tập, rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa