Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

QUÂN ĐỘI THAM GIA HIỆU QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Từ thực tiễn lịch sử kháng chiến và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã khẳng định những đóng góp quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, Quân đội ta đã xây dựng các lâm trường, nông trường, các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, rồi sau đó trở thành nòng cốt trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, trong Quân đội đã có một đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, kỹ sư, công nhân viên quốc phòng, đáp ứng được không chỉ nhu cầu xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại mà còn tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế có hiệu quả rõ rệt.

Sau khi đất nước thống nhất (1975), Quân đội nhanh chóng trở thành lực lượng xung kích, nòng cốt, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Với gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quan trọng này đã hoàn thành nhiều chương trình, dự án trọng điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên địa bàn cả nước.

Trong thời kỳ đổi mới, quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng được Đại hội VI đề ra: “Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”, ngày 31-7-1998 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho Quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng (KTQP). Theo đó, ngày 1-8-1998, Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Quyết định số 150/ĐUQSTW giao Quân đội làm nòng cốt trong phát triển KTQP. Nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Quân ủy Trung ương, hoạt động KTQP trong Quân đội đã mang lại nhiều kết quả rất đáng trân trọng. Không phải ngẫu nhiên đến Đại hội X, Đảng ta xác định: “Tiếp tục phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế với mục tiêu tăng cường quốc phòng - an ninh là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo”. Quán triệt chủ trương của Đảng, ngày 25-9-2012, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 520-NQ/QUTW về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, nêu rõ: “Toàn quân cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết, tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ trên mặt trận lao động sản xuất”. Đặc biệt, ngày 18-5-2017, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết 425-NQ/QUTW về: “Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đã tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng của Quân đội tham gia xây dựng, phát triển kinh tế.

Nhìn chung, sau sắp xếp, đổi mới, hầu hết các doanh nghiệp quân đội giữ được ổn định và phát triển, tổ chức sản xuất phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước hội nhập thị trường trong nước, khu vực và thế giới; sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ quốc phòng và xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động và tăng thu nộp ngân sách nhà nước; góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố hậu phương quân đội...

Hiện nay, các doanh nghiệp quân đội đang có 37 dự án đầu tư ra nước ngoài (gồm cả doanh nghiệp quân đội đã cổ phần) với tổng số vốn đầu tư hơn 5,2 tỷ USD. Tiêu biểu là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã được ghi nhận với 3 chỉ số quan trọng, là doanh nghiệp có chỉ số lợi nhuận tốt nhất, nộp thuế lớn nhất và có giá trị thương hiệu cao nhất Việt Nam (2,6 tỷ USD). Thương hiệu Viettel được xếp hạng thứ 49 trong tốp 50 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới. Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn giữ vững vị trí khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam và cảng Cát Lái là một trong số 34 cảng biển hàng đầu thế giới về khối lượng hàng hóa thông quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quân đội còn tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghệ mới, dịch vụ lưỡng dụng, để vừa sản xuất thiết bị, phương tiện, khí tài quân sự, vừa sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dân dụng. Việc thực hiện các đơn hàng dân sự chính là cách để các doanh nghiệp quân đội tiếp nhận, chuyển giao, đổi mới công nghệ, rèn luyện kỹ năng, tay nghề, nâng cao nghiệp vụ, trình độ quản lý, đầu tư mở rộng sản xuất...

Tuy còn có những hạn chế, bất cập trong nhận thức và quá trình quản lý, triển khai thực hiện tiến độ dự án, việc sử dụng đất quốc phòng của một số doanh nghiệp chưa chặt chẽ làm cho mục tiêu xây dựng các khu KTQP chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, nhưng tổng thể những kết quả đạt được là có ý nghĩa quan trọng.

Nhiều doanh nghiệp quân đội đã xây dựng được những thương hiệu mạnh, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tham gia đầu tư có hiệu quả ra nước ngoài và là lực lượng dự bị mạnh cho quốc phòng; là đối tác kinh tế quốc tế có uy tín, tích cực trong công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập kinh tế quốc tế.

2 nhận xét:

  1. Quân đội làm kinh tế là để giúp đỡ nhân dân

    Trả lờiXóa
  2. Sau sắp xếp, đổi mới, hầu hết các doanh nghiệp quân đội giữ được ổn định và phát triển, tổ chức sản xuất phát triển kinh tế hiệu quả

    Trả lờiXóa