Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN ĐỂ QUÂN ĐỘI THAM GIA HIỆU QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, Đảng ta chủ trương: “Tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, chú trọng: “Phát triển vững chắc, hiệu quả công nghiệp quốc phòng, an ninh. Phát triển phù hợp doanh nghiệp có khả năng sản xuất sản phẩm lưỡng dụng. Từng bước hình thành tổ hợp công nghiêp quốc phòng với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp”. Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng KTQP, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước. Trong đó, tập trung thực hiện tốt những định hướng cơ bản sau:

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất phát triển kinh tế quốc phòng. Toàn quân, nhất là cấp ủy, chỉ huy các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng khu KTQP cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng khu KTQP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, yêu cầu, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, phát triển khu KTQP trong thời kỳ mới, cũng như vai trò của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ này; từ đó, nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, tập trung chấn chỉnh tổ chức biên chế các đoàn KTQP, các doanh nghiệp quân đội phù hợp với chức năng, yêu cầu nhiệm vụ, theo hướng giảm khâu trung gian, giảm tối đa biên chế cơ quan để tăng cường quân số cho các đơn vị, đội sản xuất; thực hiện tốt việc điều chuyển đoàn KTQP về trực thuộc quân khu, nhằm thống nhất trong quản lý, chỉ đạo. Các đoàn KTQP chú trọng xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chuyên môn kỹ thuật ở các cấp; đào tạo, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số ở địa phương, trí thức trẻ tình nguyện. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về quản lý, phát triển kinh tế, kiến thức, kinh nghiệm về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác vận động quần chúng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Đối với những đơn vị KTQP hoạt động trên các địa bàn chiến lược phải góp phần tăng nguồn lực cho quốc phòng, đóng góp ngân sách nhà nước và phục vụ cho các hoạt động chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội... Thông qua các hoạt động đó, các doanh nghiệp quân đội góp phần xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc trên các địa bàn chiến lược, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Hai là, nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về“Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là định hướng cơ bản, cần phải được quán triệt sâu sắc và nắm vững tư tưởng chỉ đạo: Lấy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh là mục tiêu hàng đầu; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. KTQP góp phần “khắc phục triệt để những sơ hở thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”.

Ba là,tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu KTQP trên các địa bàn chiến lược vừa là giải pháp vừa là định hướng; đồng thời, là sự thể chế hóa quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong thực tiễn.

Bốn là,cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội, gắn với giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất phát triển kinh tế. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp, phát triển các doanh nghiệp quân đội và đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Qua đó, góp phần giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, các doanh nghiệp quốc phòng cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; trên cơ sở đó, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, trọng tâm là thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2016 - 2020”. Các doanh nghiệp quân đội, các đoàn KTQP tập trung rà soát, xây dựng chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với mô hình hoạt động; tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, kỷ luật của quân đội.

Năm là, ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế quốc phòng, thực hiện có hiệu quả chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn chiến lược. Để khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng, Nhà nước và các địa phương, đơn vị cần tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các doanh nghiệp KTQP mũi nhọn, có thế mạnh trên tuyến biên giới và ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo... Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, phát triển các khu KTQP mạnh có đủ khả năng kết hợp phát triển kinh tế với tạo lập thế trận phòng thủ trên tuyến biên giới, ven biển; tập trung nguồn lực, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của từng địa phương; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế với quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của nhân dân trên các tuyến biên giới, các vùng biển, đảo.

Quá trình thu hút nguồn lực để phát triển KTQP trên các vùng biển, hải đảo đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương phối hợp nghiên cứu, khảo sát tổng thể, xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng khu vực, đánh giá đúng, đủ các yếu tố tự nhiên cũng như xu thế phát triển. Việc quy hoạch phải tính đến sự kế thừa, phát triển, tính liên kết giữa các vùng, miền; phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên các hướng trọng điểm. 

Từ những đóng góp quan trọng của Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, Quân đội cần phải nghiên cứu những thành tựu của công nghiệp quốc phòng mang tính lưỡng dụng, để tận dụng các thành tựu của công nghiệp dân sự sang công nghiệp quốc phòng. Sự kết nối này sẽ tăng sức mạnh cho nền kinh tế đất nước và trực tiếp cho quốc phòng./.

2 nhận xét:

  1. Từ những đóng góp quan trọng của Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, Quân đội cần phải nghiên cứu những thành tựu của công nghiệp quốc phòng mang tính lưỡng dụng, để tận dụng các thành tựu của công nghiệp dân sự sang công nghiệp quốc phòng.

    Trả lờiXóa