Ngày 1 tháng 9 năm 1858, thực dân Pháp nổ súng đánh
chiếm Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau khi cơ bản kết
thúc giai đoạn vũ trang xâm lược, chúng đã thi hành chính sách thống trị và bóc
lột rất tàn bạo đối với dân tộc Việt Nam: độc quyền về kinh tế, chuyên chế về
chính trị và ngu dân về văn hóa. Những chính sách đó của thực dân Pháp đã làm
cho xã hội Việt Nam thay đổi từ xã hội phong kiến độc lập thành xã hội thuộc địa
nửa phong kiến. Cơ cấu giai cấp xã hội bị biến đổi: Bên cạnh giai cấp địa chủ
phong kiến và giai cấp nông dân đã tồn tại từ lâu, xuất hiện giai cấp công
nhân, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản. Xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn
cơ bản: mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn
giữa nhân dân Việt Nam, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến.
Trước sự thống trị tàn bạo của bọn thực dân đế quốc, các phong trào chống Pháp, giành độc lập dân tộc của nhân dân ta đã liên tiếp nổ ra. Tiếp nối các phong trào Văn Thân và Cần Vương, phong trào yêu nước ba mươi năm đầu thế kỷ XX diễn ra vô cùng anh dũng, từ khởi nghĩa Yên Thế và các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa thục, Duy Tân đến khởi nghĩa Yên Bái... nhưng đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng. Yêu cầu khách quan, cấp thiết của lịch sử Việt Nam khi đó là phải làm sao để khắc phục cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước.
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóa