Tạp chí Hậu cần năm 1958
đã ghi lại một câu chuyện: Sáng chủ nhật ngày 7/9/1958, Bác Hồ đến thăm một đơn
vị hậu cầu. Bác vào ngay nhà ngủ. Bác kiểm tra nội vụ và khen là tốt. Bác xuống
nhà ăn… Khi có lệnh tập hợp đơn vị, Bác hỏi: “Các chú nuôi được bao nhiêu lợn?
Trồng được bao nhiêu rau?”, một đồng chí nói: “Thưa Bác, chúng cháu nuôi được
nhiều lắm ạ, lợn trăm con, còn rau bảo đảm một trăm phần trăm cho đơn vị ăn”.
Bác bảo: “Như vậy chưa đủ, các chú còn phải nuôi nhiều hơn nữa, tăng gia nhiều
hơn nữa, không được tự mãn là "nhiều lắm". Xung quanh các chú còn đơn
vị bạn. Các chú tăng gia được, nếu quý thì đem biếu, đem cho, nếu không thì đem
bán. Các chú phải tiết kiệm. Lẽ ra đơn vị các chú chi tiêu một tháng 12 triệu
thì làm thế nào chỉ tiêu một nửa hay hơn một chút. Ai cũng như thế, đơn vị nào
cũng như thế thì chúng ta sẽ có thêm nhiều nhà máy”. Rồi Bác hỏi: “Muốn tiến
lên xã hội chủ nghĩa, các chú phải làm gì?”. “Thưa Bác, phải lao động ạ!”. “Các
chú còn phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ nữa. Thí dụ: Mỗi bộ quần áo các chú mặc
may hết 5.000 đồng thì làm thế nào chỉ hết 2.500 đồng hay 3.000 đồng, chứ không
làm nhanh hóa chậm, nhiều hóa ít, rẻ thành đắt, tốt thành xấu”…[1]
Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc
cán bộ, đảng viên phải khiêm tốn, tuyệt đối tránh kiêu ngạo, tự mãn. Trong tác
phẩm Người cách mạng mẫu mực đăng trên báo Thanh niên, số 61, năm 1926, Người
viết: “Không kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho
mình kẻ thù. Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can
đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời
mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình”.
Đây không chỉ là tư cách, đạo đức của một người cách mạng mà còn là của tất cả
mọi người.
Trong bài Chớ kiêu ngạo,
phải khiêm tốn, đăng trên báo Nhân dân, số 194, ngày 13/6/1954, Hồ Chí Minh cắt
nghĩa bệnh kiêu ngạo và chỉ ra hậu quả của nó: “Kiêu ngạo là: Khi công tác có
ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần.
Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của
mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng
thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể
lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến
của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không
muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người
tính trực nói thẳng... Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: thoái bộ, xuống dốc, rồi
đi đến bất mãn, hủ hóa”.
Tại hội nghị tổng kết cải
cách ruộng đất đợt II, ngày 8/2/1955 của Đoàn “Thái Nguyên - Bắc Giang”, Bác Hồ
chỉ rõ: “Tự mãn thì không tiến bộ được nữa; không tiến bộ tức là thoái bộ, mà
thoái bộ thì không làm tròn nhiệm vụ”. Trong diễn văn khai mạc lớp lý luận khóa
I Trường Nguyễn Ái Quốc, ngày 7/9/1957, Người cũng nêu: “Kiêu ngạo, tự phụ, tự
mãn là kẻ thù số một trong học tập”… Những lời dặn dò đó bao hàm cả trong học tập,
sinh hoạt, công tác và trong việc xây dựng nhân cách của cán bộ, đảng viên nói
riêng và người cách mạng nói chung.
Chống bệnh tự mãn, kiêu
ngạo là vấn đề thời kỳ nào cũng cần quan tâm thực hiện. Khi có chút thành tích,
công lao thì căn bệnh này lại càng dễ bộc phát hơn. Phát biểu ra mắt Ban Chấp
hành Trung ương khóa XIII, ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng đã nhắc nhở các đồng chí Ủy viên Trung ương mới được bầu: “Tuyệt đối
không được chủ quan, không được tự mãn, không được kiêu ngạo và càng phải khiêm
tốn, học tập, làm mọi công việc để xứng đáng với sự tin cậy của toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân”. Đây cũng thực sự là lời dặn dò đối với tất cả các cán bộ, đảng
viên trong toàn Đảng.
Hiện nay, công tác phòng
chống dịch Covid-19 vẫn được thực hiện khẩn trương, quyết liệt. Một số địa
phương đã đạt được những kết quả quan trọng, bước đầu kiểm soát được dịch bệnh,
ổn định được đời sống người dân, từng bước phục hồi kinh tế, bắt đầu trạng thái
bình thường mới. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Bởi về yếu tố khách
quan, biến chủng Delta rất nguy hiểm với khả năng lây lan nhanh, trong khi nhiều
nước trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp. Về chủ quan, một số địa phương
vẫn còn tình trạng dịch bệnh căng thẳng, khả năng miễn dịch cộng đồng chưa đạt,
các nguồn lực chống dịch bị giảm sút nghiêm trọng, đời sống nhân dân có nơi bị
kiệt quệ…, nên năng lực phòng chống dịch có thể không còn nguyên vẹn. Do đó, dù
phấn khởi với các kết quả nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, càng
không được tự mãn, mất cảnh giác. Đặc biệt, từng đơn vị và các cá nhân đã có
nhiều đóng góp trong công tác chống dịch thì nay phải tiếp tục công tác phòng dịch
và các nhiệm vụ thường xuyên khác, không được tự mãn.
Tại TPHCM và nhiều địa
phương khác, ngày sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, việc phục hồi kinh tế cần
được thực hiện khẩn trương, tích cực. Công việc này đòi hỏi cán bộ các cấp phải
thực sự cầu thị, lắng nghe, ghi nhận các ý kiến của người dân, doanh nghiệp… nhằm
xử lý kịp thời các yêu cầu trong điều kiện mới. Do đó, cán bộ cần phải khiêm tốn,
biết chắt lọc thông tin từ phản ánh của dư luận, chọn cho được những hiến kế hợp
lý và ghi nhận các vấn đề người dân quan tâm…
Suy cho cùng, vượt qua được một chặng đường khó khăn là một thành công, nên xem đó là động lực và cơ sở để vượt qua tiếp các thử thách khác, tuyệt đối không được “ngủ quên trên chiến thắng”, không được say sưa, tự mãn. Yêu cầu của thực tiễn ngày nhiều, ngày cao thì sự nỗ lực của cả hệ thống ngày càng lớn, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các nguyện vọng của nhân dân.
Mọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.
Trả lờiXóa