Hiện nay, những chiêu bài về “dân
chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hay “phát triển kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”… mà các thế lực thù địch vẫn
không ngừng “lớn tiếng” lâu nay cũng chỉ nhằm hướng tới một mục tiêu: phủ
nhận những vấn đề căn cốt - nền tảng tư tưởng chính trị của
chúng ta.
Cần khẳng định lại rằng,
những “lý lẽ” mà các đối tượng, thế lực chống phá luôn rêu rao, đòi hỏi đối với
Đảng và chế độ ta là những điều hoàn toàn không có gì mới, nhất là vấn đề “đa
nguyên đa đảng”.
Như chúng ta đã biết, trước
khi Đảng Cộng sản Việt Nam khai sinh, ở nước ta đã từng có mô hình “đa nguyên
đa đảng”. Ngay cả khi Đảng ta ra đời thì “đa đảng” vẫn tồn tại. Nhưng từ chính
những đòi hỏi khách quan của lịch sử mà cách mạng đã lựa chọn từ “đa đảng” đến
một đảng. Đó là xu hướng chính trị gắn liền với hoàn cảnh lịch sử và điều kiện
cụ thể Việt Nam. Để khắc phục tình trạng “độc quyền mất dân chủ”, trong suốt tiến
trình cách mạng, mọi đường lối, phương thức lãnh đạo của Đảng đều được bàn thảo,
xây dựng trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Vì thế, chúng ta khẳng định,
ở Việt Nam không có sự cần thiết khách quan phải thực hiện cơ chế chính trị đa
nguyên, đa đảng đối lập. Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện nay, nếu “thỏa
hiệp” để thực hiện đa đảng đối lập cũng đồng nghĩa với việc đánh mất sự ổn định
chính trị, rối loạn xã hội; tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các tư tưởng
chính trị xa lạ - đi ngược lại lợi ích của quảng đại quần chúng và mục tiêu xây
dựng xã hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Điều mà Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử
được gọi là “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể
thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn
là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”.
Đại hội XIII của Đảng
cũng đã xác định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng
để xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Để đấu tranh có hiệu quả
với những luận điệu thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng một
cách đúng đắn, khách quan và khoa học, trước hết, mỗi cán bộ, đảng
viên phải nắm vững và thường xuyên củng cố nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường tuyên truyền “phổ cập” tới mọi tầng lớp nhân
dân về mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Qua đó tạo lập một mặt bằng chung
trong toàn xã hội về ý thức tư tưởng chính trị; nâng cao khả năng “tự miễn dịch”
trước những âm mưu xâm nhập, lây lan của những tư tưởng đi ngược lợi ích nhân
dân, trái với lý tưởng và mục tiêu XHCN.
Nghiêm túc quán triệt và
thực hiện việc “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng
theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu,
tính thuyết phục, tính giáo dục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước”. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học
tập Nghị quyết của Đảng. Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến
thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc
biệt là cấp chiến lược; tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng
lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và
phù hợp với từng đối tượng.
Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung, chống các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng chỉ phát huy hiệu quả thực chất khi việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ Đảng thực sự có chất lượng. Theo đó, sự gương mẫu “nói đúng làm đúng” từ mỗi cán bộ đảng viên là cách tốt nhất để lan tỏa những quan điểm, chủ trương của Đảng tới mọi “ngõ ngách cuộc sống”, để mọi tầng lớp nhân dân luôn “tâm phục khẩu phục”, một lòng theo Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ./.
Đảng ta luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn; do đó đã đưa đất nước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay
Trả lờiXóa