Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

THAM NHŨNG VÀ HỆ LỤY CỦA NÓ

Theo Bộ Luật hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 và Luật PCTN năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019), các hành vi tham nhũng bao gồm: "1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;  h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi; l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. 2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi"...

Thực tế cho thấy, các hành vi tham nhũng nêu trên đã và đang xảy ra không chỉ ở cấp Trung ương, ở những chương trình, dự án lớn có giá trị hàng ngàn tỷ đồng (tham nhũng lớn) mà còn xuất hiện nhiều tại các bệnh viện, các cơ quan công quyền ở cơ sở,v.v.. nơi hằng ngày trực tiếp giải quyết những công việc liên quan lợi ích của nhân dân (tham nhũng vặt). Diễn ra càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích - “tham nhũng lớn” hay “tham nhũng vặt” - những hành vi tham nhũng của những người đang chịu trách nhiệm thực thi công vụ, quản lý trong một tổ chức có động cơ, lợi ích cá nhân, trục lợi trên cương vị của mình, sẵn sàng “ăn không từ thứ gì” cũng đều gây hậu quả nặng nề, cũng đều là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong đó, “tham nhũng lớn” bị phát hiện ngày càng tăng về số lượng, mức độ thiệt hại, số tiền và tài sản thất thoát và rất rất nhiều vụ “tham nhũng nhỏ” diễn ra công khai cũng từng bước được “chỉ mặt vạch tên”.

Tham nhũng không chỉ xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai… mà còn lan rộng sang các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao; trong các chương trình trợ cấp cho thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách; trong các chương trình cứu trợ cho đồng bào gặp thiên tai; trong quá trình xét duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hoá, thi đua khen thưởng… Tham nhũng làm thay đổi mọi lĩnh vực trong trong đời sống xã hội như kinh tế, luật pháp, dân chủ, luân lý, giáo dục... đã xâm phạm, thậm chí làm xê dịch, thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức trong hệ thống các cơ quan công quyền, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Tham nhũng không chỉ làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn "tiếp tay" cho các thế lực thù địch, phản động trong việc bôi nhọ, hạ uy tín, vị thế của Đảng trong phạm vi quốc gia cũng như trên trường quốc tế.  

Tham nhũng - những lợi ích bất chính đã hoặc sẽ có được đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao “không giữ được mình”, không gương mẫu trong thực thi trọng trách được giao, nói một đằng, làm một nẻo, không còn xứng đáng với vai trò tiền phong. Họ đã bất chấp việc vi phạm pháp luật mà làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp…để vụ lợi, trục lợi cho mình, người thân, cánh hẩu của mình, nhóm lợi ích của mình... dẫn đến làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây bất bình, bức xúc, thậm chí phản ứng của nhân dân đối với các cơ quan công quyền. Vì vậy, bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ; “là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta… làm hỏng tinh thần trong sạch, ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Tuy các tệ nạn này biểu hiện trong đời sống xã hội dưới nhiều dạng khác nhau, song các hành vi tham ô, tham nhũng dù là “lớn’ hay “vặt” cũng đều là “ăn cắp của công làm của tư”, “đục khoét của nhân dân”, “ăn bớt của bộ đội”, “tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình”, “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” …, cho nên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải “- Chống nạn tham ô, - Chống nạn lãng phí, - Chống bệnh quan liêu”. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh rằng, chừng nào và ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó ắt có tham ô, lãng phí và nơi nào bệnh quan liêu càng nặng, thì ở đó càng nhiều lãng phí, tham ô, càng nhiều hiện tượng tham nhũng từ nhỏ đến lớn. Tất cả những tệ nạn đó, các hành vi đó, dù xảy ra ở cấp Trung ương hay tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở cũng đều là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, chúng đều “xâm phạm đến lợi ích của nhân dân”, đều “là kẻ thù của nhân dân và của Chính phủ”. Do đó, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu cũng rất cần thiết, “quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”- mặt trận tư tưởng và chính trị. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Thực hiện theo chỉ dẫn của Người, trong những năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong thời kỳ miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, công tác phòng và chống tham ô, tham nhũng, quan liêu - chống thứ “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm” đã được thực hiện, với quyết tâm chính trị cao. Từ Trung ương đến các địa phương đều thống nhất triển khai chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu với tinh thần: 1) “Phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sự sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ”; 2) “Phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí” trong “những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn” và “không thể tha thứ cho những việc phô trương, lãng phí như vậy”; 3) Chấm dứt cái thói vô Chính phủ như “xem thường phép luật, chính quyền”, “hy sinh lợi ích của nước nhà để lên mặt mình khảng khái” của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền; 4) Phải chống nạn ăn cắp của công mà các cơ quan quen gọi trộm cắp “đường hoàng” vì “đó là một điều đáng chú ý, một điều đáng nguy hiểm”; đồng thời, cũng phải chống bọn “trộm cắp kín đáo”, “bọn trộm cắp tinh vi”, để chúng “không sống còn được”…

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết về PCTN, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Báo cáo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN ngày 25/6/2018 khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”. Theo đó, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành về PCTN vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm…  Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN …

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu… Trong khi đó, không chỉ các vụ “tham nhũng lớn” mà ngay cả “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn nhiều, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện nghiêm đã tạo “kẽ hở” cho việc lạm quyền để trục lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu rèn luyện đạo đức, tham lợi, vụ lợi bất chính...

1 nhận xét:

  1. Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta được nhân dân hết lòng ủng hộ

    Trả lờiXóa