Để phòng ngừa và đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN với biểu
hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng không chỉ cản trở sự
phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân mà còn là một trong những
thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà
nước, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh,
trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất,
nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng, của
đội ngũ cán bộ, đảng viên và mỗi người dân về quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối
với cuộc đấu tranh PCTN; đưa nội dung đấu tranh PCTN vào sinh hoạt định kỳ của
các tổ chức Đảng và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong
đó, các tổ chức Đảng tăng cường chỉ đạo quyết liệt công tác giáo dục, phòng ngừa
tham ô, tham nhũng; các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thực
hiện nghiêm chỉnh pháp luật về PCTN. Đồng thời, nâng cao và phát huy vai trò của
cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại
mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng trong thwucj thi trọng trách được
giao gắn với đấu tranh PCTN theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban
Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết
là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Thứ hai,
đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp và kịp thời cung cấp, công
khai thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTN, để một mặt tạo sự đồng thuận của
cả hệ thống chính trị; mặt khác thông qua đó, đấu tranh với các luận điệu xuyên
tạc của các thế lực thù địch lợi dụng PCTN để chống phá Đảng, Nhà nước. Chủ động
thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, bất
kể là ai, giữ chức vụ gì; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham
nhũng, kinh tế, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; về những vấn đề nhạy cảm,
dư luận xã hội quan tâm trong đấu tranh PCTN đi liền cùng với việc chủ động
tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên những
người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Thông qua tuyên truyền về kết quả đấu tranh PCTN, xử lý nghiêm theo quy định của
pháp luật và đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên vi phạm, góp phần làm
trong sạch bộ máy, tạo động lực, khí thế, sự thống nhất cao về ý chí và hành động
để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ; củng cố
và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, tiếp
tục gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây
dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ"
với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và với các Quy định số 47-QĐ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy
định 101-QÐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”,
Quy định 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần
làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”… Qua đó, mỗi
người hằng ngày đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: vô cảm,
quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân
dân; kiên quyết chống tư tưởng trực lợi và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, lạm
dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”,v.v.. Coi đó là trách
nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi cá nhân trong công tác giáo dục và tự
giáo dục, vừa đấu tranh và tự đấu tranh để thiết thực phòng và chống 9 biểu hiện
suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ nói chung, về đấu tranh
PCTN nói riêng.
Thứ tư,
phải công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị để cán bộ,
đảng viên, công chức, viên chức… nhà nước nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong
thực hiện chức trách, công vụ theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp
luật quy định. Việc công khai, minh bạch không chỉ góp phần để những người
"có chức quyền" hiểu rằng mọi hành vi vi phạm, phiền hà, sách nhiễu
hay lợi dụng chức trách để vụ lợi, trục lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý mà
còn để người dân nhận biết được các quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động thực
hiện theo các quy định của pháp luật cũng như đòi hỏi các cơ quan nhà nước và
các cán bộ, công chức nhà nước thực hiện các quy định đó. Theo đó, cần công
khai, minh bạch về kinh tế, tài chính, về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư,
xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân,
quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ,
công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định…
đó là “những chìa khóa then chốt” để bảo đảm đấu tranh PCTN hiệu quả, thành
công.
Thứ năm, tham khảo kinh nghiệm PCTN của một số nước trên thế giới, để có thể vận dụng trong quá trình xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế, phân cấp, quy định rõ chức năng cho các ngành, các cấp trong đấu tranh PCTN. Bổ sung một số hành vi tham nhũng thuộc tội phạm tham nhũng; ban hành các quy định về bảo vệ, khen thưởng người có thành tích trong công tác PCTN, nhất là người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/2/2018. Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ PCTN; tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng đi liền cùng với đó là cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức… để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN. Đồng thời, cùng với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, trước mắt, phải xây dựng và hoàn thiện chế tài pháp lý để mỗi người, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức quyền tại các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị “không thể tham nhũng” và “không dám tham nhũng”./.
Chống tham nhũng là phải vừa tích cực phòng ngừa, vừa xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng.
Trả lờiXóa