Nguyên nhân khách quan: Mặt trái của cơ chế thị trường
và toàn cầu hóa đã và đang tác động làm nảy sinh, phát triển sự tha hóa quyền lực
của cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng với diễn biến
phức tạp, khó kiểm soát, gây khó khăn cho việc phòng ngừa, phát hiện và xử
lý.
Chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đồng bộ, thiếu
thống nhất, còn chồng chéo, mâu thuẫn hoặc chưa đủ rõ, chưa phù hợp, thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền kinh tế kế hoạch
hóa tập trung, bao cấp còn đan xen, nhiều kẽ hở, dễ bị lợi dụng... Nội dung các
quy định của Đảng về vấn đề kiểm soát quyền lực, nhất là những nội dung về tính
chất, mức độ và mối quan hệ giữa các biểu hiện của sự tha hóa quyền lực của cán
bộ chưa được phân tích, làm rõ một cách đầy đủ, sâu sắc.
Tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ”, “nể nang,
né tránh, ngại va chạm”, “dễ người dễ ta”, “dĩ hòa vi quý”, tâm lý làng, xã, đồng
hương cộng với tư duy tiểu nông đã ăn sâu trong nhiều người Việt, tạo ra một
tâm lý xã hội ngại đấu tranh, ngại nói thẳng, hoặc có việc dính dáng đến bản
thân, gia đình là đi “nhờ vả”,… đã tạo điều kiện để một số cán bộ, đảng viên thực
thi công vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình để trục lợi.
Nguyên nhân chủ quan: Nhận thức của một số cấp uỷ,
tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất
là người đứng đầu về phòng, chống sự tha hóa quyền lực chưa sâu sắc, toàn diện
hoặc chưa đủ rõ.
Chủ nghĩa cá nhân, tham vọng danh lợi, công tác giáo dục
chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức.
Không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính
trị, nhân sinh quan cách mạng, tinh thần hy sinh cống hiến vì sự nghiệp của Đảng,
lười học tập, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ,
các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát và tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu chưa
nghiêm, thiếu công tâm, khách quan; vẫn còn mang nặng tư duy nhiệm kỳ, “lợi ích
nhóm”, né tránh, thoả hiệp hoặc áp đặt độc đoán, mất dân chủ, chưa gương mẫu,
thiếu tinh thần trách nhiệm, sợ trách nhiệm, lấy tập thể làm bình phong cho những
ý đồ cá nhân.
Công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ chậm đổi mới,
một số khâu chưa được chuẩn hóa, còn sơ hở và thiếu tính khoa học, quá nhiều
tiêu chuẩn kiểu định tính mà ít tiêu chuẩn mang tính định lượng; phương pháp,
quy trình tuyển chọn, quy hoạch, bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhất
là việc thay thế cán bộ có biểu hiện tha hóa quyền lực, yếu kém, miễn nhiệm,
cho từ chức đối với cán bộ không đủ tiêu chuẩn chậm được thực hiện.
Công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn lúng túng trong
xác định mô hình tổ chức, bố trí cán bộ, nhất là chưa chuyển trọng tâm từ xử lý
vấn đề lịch sử chính trị sang nắm bắt, giải quyết và xử lý những vấn đề chính
trị hiện nay.
Vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc,
các đoàn thể chính trị - xã hội đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ở không
ít nơi chưa được phát huy, chưa có cơ chế nêu cao vai trò, trách nhiệm của báo
chí, các cơ quan truyền thông trong kiểm soát quyền lực.
Chưa coi trọng việc sơ kết, tổng kết thực tiễn, nghiên
cứu khoa học, phát triển lý luận về kiểm soát quyền lực nói chung, phòng, chống
sự tha hóa quyền lực nói riêng, đến Đại hội XII của Đảng, vấn đề này mới được đặt
ra một cách quyết liệt.
Công tác kiểm tra, giám sát còn chưa bảo đảm hiệu lực, liệu quả, còn biểu hiện trên nóng, dưới lạnh. Việc xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên tha hóa quyền lực trong không ít trường hợp chưa kịp thời, nghiêm minh, đồng bộ, triệt để, dứt điểm nên tính phòng ngừa, răn đe và giáo dục chưa cao.
Chủ nghĩa cá nhân, tham vọng danh lợi là một nguyên nhan dẫn đến tha hóa quyền lực
Trả lờiXóa