Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

SỰ RA ĐỜI CỦA QUỐC TẾ CỘNG SẢN VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI SỰ LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC VÀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Trong lúc xã hội Việt Nam đang khủng hoảng bế tắc về đường lối cứu nước thì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xuất hiện. Trước cảnh nước mất nhà tan, cũng như bao người Việt Nam yêu nước thời đó, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Song, không giống với cụ Phan Bội Châu, dù đã “Nam bôn, Bắc tẩu, dấu chân in gần khắp nửa châu Á” mà “tự xét thấy chẳng việc gì nên”, để đến khi sức tàn, lực kiệt vẫn ôm mối hận mà than rằng “cuộc đời tôi trăm thất bại chẳng một lần thành công”. Nguyễn Ái Quốc không tìm đường cứu nước ở phương Đông lạc hậu, Người quyết định sang Pháp, hướng về các nước phương Tây để trước hết là tìm hiểu cho rõ những gì đang ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, xem vì sao các nước phương Tây lại trở nên phú cường, rồi sau đó sẽ trở về giúp đồng bào.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Latusơ Tơrêvin rời Tổ quốc thân yêu, vượt trùng dương đi tìm chân lý cách mạng. Cuộc hành trình trong 6 năm từ Á sang Âu, Phi, Mỹ rồi lại trở về châu Âu năm 1917 giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức và khám phá nhiều điều mới mẻ. Khảo sát các cuộc cách mạng ở Pháp, Anh, Mỹ, Người cho rằng, đó là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản đã xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Người đi đến kết luận, chúng ta đã đổ xương máu để làm cách mạng, thì nên làm đến nơi, nghĩa là làm sao cho cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc.

Cách mạng Tháng Mưòi Nga năm 1917 thắng lợi là sự kiện chính trị lớn nhất của thế kỷ XX, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, thời đại thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản.  Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đặt ra sự lựa chọn mới đối với những người cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc cho một số ít người hay cho đại đa số người? Độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa tư bản hay độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội?

Tháng 3 năm 1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba) ra đời, có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng thế giới. Năm 1920, cuộc đấu tranh giữa hai con đường diễn ra quyết liệt trong nhiều đảng công nhân và ngay trong Đảng Xã hội Pháp: tiếp tục theo Quốc tế thứ hai tức là tiếp tục con đường cải lương hay đi theo Quốc tế thứ ba, con đường cách mạng.

Những cuộc thảo luận sôi nổi trong Đảng Xã hội Pháp về lý luận cách mạng, về Quốc tế II và Quốc tế III vẫn chưa thể giúp Nguyễn Ái Quốc lựa chọn được học thuyết mà mình cần tiếp nhận. Cho đến cuối tháng tháng 7 năm 1920, lần đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, Người mới tìm thấy ở đó cái cẩm nang giải phóng dân tộc Việt Nam.

Văn kiện trình bày rõ hướng đi và biện pháp lãnh đạo của Đảng Cộng sản đưa sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc thuộc địa đi đến thắng lợi hoàn toàn. Lênin bóc trần thái độ lừa dối của chế độ dân chủ tư sản đối với những người bị bóc lột khi tuyên bố quyền bình đẳng nói chung, trong đó bao gồm cả quyền bình đẳng dân tộc. Do vậy, một trong những nhiệm vụ của đảng cộng sản là phải phân biệt rõ những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc không được hưởng quyển bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi. Để đập lại sự lừa dối kiểu dân chủ tư sản đang che giấu việc tuyệt đại đa số nhân dân trên trái đất bị một thiểu số nhỏ bé những nước tư sản tiên tiến nô dịch về mặt thuộc địa và tài chính. Trên thực tế, phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước tiên tiến và quần chúng lao động các nước thuộc địa và phụ thuộc sau chiến tranh thế giới thứ nhất đang làm tan rã ảo tưởng dân tộc tiểu tư sản về khả năng chung sống hoà bình và bình đẳng giữa các dân tộc dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.

Xuất phát từ những luận điểm trên, Lênin cho rằng: “Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa là phải làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng”. Đồng thời, Lênin cũng nêu lên những nhiệm vụ quan trọng của các đảng cộng sản là phải trực tiếp ủng hộ phong trào cách mạng của các dân tộc thuộc địa: giai cấp công nhân ở nước tư bản đang thống trị dân tộc chậm tiến trước tiên có nhiệm vụ ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng các dân tộc ấy; phải đặc biệt ủng hộ phong trào nông dân ở các nước chậm tiến chống bọn địa chủ, chống chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất, chống chế độ phong kiến, phải liên minh chặt chẽ nhất giữa tất cả các phong trào giải phóng dân tộc với nước Nga Xôviết.

Những luận điểm cách mạng của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giải đáp những vấn đề cơ bản và chỉ dẫn hướng phát triển của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc mà qua 9năm tìm kiếm (1911-1920) Người mới bắt gặp. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đê thuộc địa của Lênin đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc nhận biết một tổ chức chính trị cần tham gia là Quốc tế III do Lênin sáng lập và lãnh đạo thực sự giúp đỡ các dân tộc bị áp bức đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc giành độc lập tự do. Từ đó, Người nhận thức được là trong thời đại ngày nay, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, con đường do Lênin và Quốc tế Cộng sản vạch ra. Sau này nhớ lại thời điểm được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đê thuộc địa của V.I.Lênin, Người đã viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế ba”.

Niềm tin của Nguyễn Ái Quốc ở lý luận của V.I.Lênin về cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa và lập trường đúng đắn của Quốc tế Cộng sản là cơ sở để Người xác định thái độ ủng hộ việc gia nhập Quốc tế Cộng sản tại Đại hội Tua (Tours) tháng 12 năm 1920 và đây cũng là sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Chính Người đã nói rõ điều đó khi trả lời nữ đồng chí Rôsơ câu hỏi vì sao lại bỏ phiếu cho Quốc tế III: “Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế III nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Quốc tế II không hề nhắc tới vận mệnh các thuộc địa vì vậy tôi bỏ phiếu tán thành Quốc tế III. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Qua 10 năm sống và làm việc ở những nước tư bản phát triển, Nguyễn Ái Quốc không choáng ngợp trước sự giàu có của giai cấp tư sản mà lại nhận thấy chế độ tư bản có nhiều khuyết tật. Người khẳng định dứt khoát chủ nghĩa tư bản không cứu được nước, không cứu được dân. Thắng lợi của Cách Tháng Mười Nga năm 1917 đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng nhận ra chân lý thời đại: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Sản phẩm của quá trình chuẩn bị đó chính là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, mở ra thời đại mới cho cách mạng Việt Nam.

Đi theo đường hướng của Lênin, của Quốc tế Cộng sản, từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 90 năm qua, Việt Nam từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Quốc tế Cộng sản, cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh vì các mục tiêu tiến bộ của thời đại.

1 nhận xét: