Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

“VIỆC CẦN PHẢI LÀM TRƯỚC TIÊN LÀ CHỈNH ĐỐN LẠI ĐẢNG”

Từ rất sớm, từ tiên liệu về sự vận động của Đảng trong quá trình phát triển và sự biến động của tình hình, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, song không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ngợi ca nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là tất yếu khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên của Đảng cầm quyền, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Qua đó, góp phần phòng và chống bệnh choáng ngợp, tự mãn, quan liêu, ngày càng rời xa nhân dân của người đang nắm giữ vai trò lãnh đạo, quản lý trong Đảng và các cơ quan công quyền - những người mà theo Hồ Chí Minh, “trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, nhưng đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng”…

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng chỉ có thể chắc chắn, vững mạnh, trở thành đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, chỉ giành và giữ được vai trò lãnh đạo cách mạng khi thường xuyên tiến hành xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Để xứng đáng là vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Đảng phải tự xây dựng thành “một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để” và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải “suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tuỵ của nhân dân”. Đó là trách nhiệm kép, vừa vinh dự vừa khó khăn mà muốn hoàn thành, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải vừa ra sức nâng cao năng lực trí tuệ ngang tầm nhiệm vụ lịch sử vừa phải thường xuyên củng cố khối đoàn kết, thống nhất; nghiêm túc thực hiện chế độ tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, trau dồi đạo đức cách mạng và gắn bó mật thiết với nhân dân, để nhân nguồn sức mạnh của Đảng.

Vì thế, từ khi chuẩn bị đến sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã luôn chú trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng để Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, trở thành Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam; không ngừng nâng cao bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc xây dựng một chính đảng Mácxit chân chính; đồng thời, coi đó là một quy luật tất yếu, là sự vận động và phát triển của Đảng trong tiến trình phát triển của cách mạng do Đảng lãnh đạo. Và không phải ngẫu nhiên, trong Di chúc, Hồ Chí Minh lại căn dặn, để Đảng trong sạch, chân chính, vững mạnh, “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đó là vì:

Một là, đoàn kết được coi là nguyên tắc cơ bản trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là bảo đảm đầu tiên và thường xuyên cho sự vững mạnh và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng; tạo nên sức mạnh thống nhất trong ý chí và hành động để chiến thắng kẻ thù xâm lược, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì đoàn kết là “một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, nên mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối, chủ trương và những nguyên tắc sinh hoạt Đảng; được thể hiện trong nhận thức và hành động, trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, nhất quán giữa lời nói và việc làm.

Hai là, “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi", vì dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và động lực của sự tiến bộ và phát triển xã hội. Dân chủ trong Đảng là phát huy quyền làm chủ của đảng viên trong tất cả các hoạt động của Đảng, để mọi đảng viên được bày tỏ hết ý kiến của mình, vì thế, mỗi đảng viên ở bất cứ địa vị nào cũng phải gương mẫu thực hành dân chủ. Song dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật của Đảng và kỷ luật chính là phương tiện để bảo vệ dân chủ, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ; thực hành dân chủ có tác dụng giải phóng, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; do đó, cán bộ, đảng viên phải lãnh đạo nhân dân một cách dân chủ, phải phát huy vai trò của nhân dân trong mọi lĩnh vực và đó là "cái chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn". Tuy nhiên, thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của đảng viên, của nhân dân phải dưới sự lãnh đạo của Đảng, để bảo đảm cho quá trình thực hiện dân chủ được đúng hướng; để vừa loại bỏ được tình trạng độc đoán, chuyên quyền trong lãnh đạo vừa tránh rơi vào hiện tượng vì "sợ" mất dân chủ mà theo đuôi quần chúng, hoặc dân chủ quá trớn.

Ba là, thường xuyên, nghiêm chỉnh "tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng". Nguyên tắc quan trọng này phải được thực thi thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, thực chất để phát huy vai trò, khả năng sáng tạo, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo đó, để bảo đảm dân chủ, công khai, bình đẳng trong sinh hoạt Đảng, trong tự phê bình và phê bình: một mặt, cấp trên và cán bộ lãnh đạo phải tự phê bình nghiêm túc, phải chân thành tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí mình và cấp dưới; mặt khác, phải động viên cấp dưới và quần chúng phê bình tổ chức đảng và đảng viên chân thành, triệt để trên "tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".

Bốn là, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để Đảng thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Khẳng định vai trò nền tảng, ý nghĩa quyết định của đạo đức cách mạng, coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, là cơ sở nền tảng của một đảng cầm quyền "là đạo đức, là văn minh", Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong tư tưởng của Người, đạo đức cách mạng là “quyết tâm suốt đời” đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, “ra sức làm việc” cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng; thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình; “hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”, vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc; ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác để cùng tiến bộ... Với Hồ Chí Minh, làm cách mạng là để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, đó là một sự nghiệp rất vẻ vang song vô cùng khó khăn, gian khổ, do vậy “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải "thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" theo lời Người dặn chính là để rèn mình, chống thói hư tật xấu trong mình như tham ô, lãng phí, quan liêu, tham nhũng, cá nhân chủ nghĩa,v.v.. để xứng đáng với vai trò tiền phong.

Thực hiện được 4 điều Hồ Chí Minh trăn trở, căn dặn trong Di chúc chính là góp phần “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”, “xứng đáng là người lãnh đạo”, “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mẫu mực về tấm gương đạo đức cách mạng và tầm cao năng lực trí tuệ nhằm quy tụ, lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước bền vững.

Không chỉ chú trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; thường xuyên yêu cầu cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân,v.v.. Hồ Chí Minh còn luôn là một tấm gương mẫu mẫu mực về rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn thống nhất giữa nói và làm. Một Hồ Chí Minh hết lòng yêu thương nhân dân, luôn vui niềm vui của đồng bào, đồng chí, buồn nỗi buồn của áp bức, bất công; chỉ vui trọn vẹn khi không còn chiến tuyến, khi không còn chiến tranh đã luôn làm ấm lòng những người xung quanh mình. Hồ Chí Minh - con người và nhân cách vĩ đại đã từng được suy tôn là “một hiền nhân” là người đã thực hiện trọn vẹn những điều vốn là khát vọng lâu đời được nêu trong sách Luận ngữ: “Đem lại sự nghỉ ngơi cho người già, đem lại lòng tin cậy cho bầu bạn, đem lại tình thương yêu cho trẻ nhỏ” - không chỉ thuộc về hiện tại mà Người còn thuộc về tương lai cả trong ý nghĩ, tầm nhìn chiến lược và những quyết sách, hành động.

1 nhận xét: