Đại dịch COVID-19 tác động lên nhiều lĩnh vực của nền
kinh tế nước ta, nhưng thể hiện tập trung ở hai yếu tố chính là cung và cầu.
Đối với yếu tố cầu, dịch bệnh COVID-19 cùng với việc thực hiện biện pháp giãn
cách xã hội cần thiết, bắt buộc theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020, của
Thủ tướng Chính phủ, “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống
dịch COVID-19” làm tiêu dùng trong nước sụt giảm mạnh. Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cầu của nền kinh tế
(tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) bị sụt giảm, từ đó làm suy giảm hoạt động sản
xuất và tăng trưởng của nền kinh tế. Các biện pháp của Chính phủ đang triển
khai hiện nay chủ yếu hướng tới kích thích tổng cầu và phục hồi sản xuất.
Đối với yếu tố cung, đại dịch COVID-19 làm đứt gãy
chuỗi cung ứng đầu vào và lao động. Chẳng hạn, trong ngành công nghiệp ô-tô, do
linh kiện đầu vào khan hiếm cùng với thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh
nghiệp sản xuất ô-tô trong nước như Honda, Nissan, Toyota, Ford, Hyundai… phải
tuyên bố tạm dừng sản xuất, chỉ đến khi thời kỳ giãn cách xã hội kết thúc và
chuỗi cung ứng được kết nối trở lại, các doanh nghiệp sản xuất ô-tô mới quay
trở lại hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chuyên
gia người nước ngoài và người lao động nước ngoài chịu tác động nặng nề từ
COVID-19 khi nguồn cung lao động bị thiếu. Chi phí sử dụng lao động trong thời
kỳ này cũng cao hơn khi các doanh nghiệp phải đầu tư thêm khẩu trang, nước sát
khuẩn, thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động để tránh lây nhiễm
vi-rút.
Ở góc độ xã hội, COVID-19 tác động làm tăng tỷ lệ
nghèo và cận nghèo về thu nhập và làm sụt giảm thu nhập tạm thời của hộ gia
đình và người lao động. Theo kết quả khảo sát của UNDP và UN WOMEN (2020),
“trong tháng 12-2019, trung bình tỷ lệ hộ nghèo là 11,3%. Tỷ lệ này tăng lên
tới 50,7% trong tháng 4-2020. Tỷ lệ hộ cận nghèo tăng từ 3,8% vào tháng 12-2019
lên 6,5% vào tháng 4-2020”. Quan trọng hơn, những hộ gia đình thuộc nhóm dân
tộc thiểu số và hộ gia đình có lao động phi chính thức và gia đình những người
nhập cư chịu tác động từ dịch bệnh lớn hơn. Cũng theo kết quả điều tra của UNDP
và UN WOMEN (2020), “thu nhập trung bình của các hộ gia đình dân tộc thiểu số
trong tháng 4 và tháng 5-2020 lần lượt chỉ tương ứng 25,0% và 35,7% so với mức
tháng 12-2019. Trong khi đó, những con số này cao hơn, lần lượt ước tính khoảng
30,3% và 52% đối với nhóm hộ gia đình người Kinh và người Hoa. Trong tháng 4 và
tháng 5-2020, thu nhập trung bình của hộ di cư được ước tính chỉ tương đương
25,1% và 43,2% so với mức của tháng 12-2019. Những con số này lần lượt là 30,8%
và 52,5% đối với nhóm hộ gia đình không di cư”.
Đại dịch COVID-19 đang tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động. Trước cú sốc này, Đảng, Nhà nước ta đã cùng với toàn dân nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, trong đó tập trung cao độ để phòng chống dịch Covid- 19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Đại dịch gây thiệt hại kinh tế rất khủng khiếp
Trả lờiXóa