Hiện nay, mối quan hệ vợ chồng đã có nhiều
biến đổi, địa vị, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội đã từng
bước được khẳng định, đặc biệt, giá trị bình đẳng, dân chủ trong quan hệ vợ chồng
của văn hóa phương Tây được du nhập vào đã và đang “tấn công” vào quan niệm cổ
hủ của văn hóa truyền thống, từ đó hình thành nên các giá trị, chuẩn mực văn
hóa mới điều chỉnh mối quan hệ giữa vợ và chồng trong gia đình hiện nay.
Trong gia đình hiện nay, mô hình người
chủ gia đình đa dạng, phản ánh tính đa dạng của các loại hình gia đình. Người
chủ gia đình có thể là người đàn ông/người chồng; người phụ nữ/người vợ; hay cả
hai vợ chồng cùng làm chủ tùy thuộc vào phẩm chất, năng lực và đóng góp của họ
trong mỗi gia đình. Tính đa dạng của mô hình người chủ gia đình cho thấy, địa vị
của người phụ nữ trong gia đình hiện nay ngày càng được đề cao, lý do là người
phụ nữ đã cải thiện được vai trò kinh tế của mình trong gia đình. Khác với gia
đình truyền thống, vai trò của người chủ gia đình hiện nay phải dựa vào năng lực
thực tế, vào sự đóng góp của người chồng hoặc người vợ trong gia đình chứ
không phải là sự “thần thánh hóa”, sự suy tôn mù quáng vai trò tuyệt đối của
người chồng trong gia đình. Thực tế đó, một mặt, phản ánh sự thay đổi vị trí,
vai trò của người phụ nữ trong gia đình, mặt khác, phản ánh sự vận động và biến
đổi của xã hội theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.
Luật pháp công nhận quyền bình đẳng giữa
vợ và chồng về quyền sở hữu tài sản trong gia đình nhưng thực tế ở nhiều gia
đình hiện nay, đặc biệt ở vùng nông thôn, người chồng vẫn chủ yếu đứng tên giấy
tờ sở hữu các tài sản có giá trị lớn trong gia đình. Sự bất bình đẳng giữa vợ
và chồng về sở hữu các tài sản lớn trong gia đình là một trong những nguyên
nhân chủ yếu để “nuôi dưỡng” tư tưởng gia trưởng và là một trong những lực cản
lớn để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó,
một mâu thuẫn khác cũng cần phải giải quyết trong mối quan hệ vợ chồng hiện nay
đó là mặc dù phụ nữ tham gia hoạt động xã hội ngày càng nhiều, có đóng góp ngày
càng lớn vào thu nhập của gia đình nhưng họ vẫn là người gánh vác chủ yếu các
công việc nội trợ, giáo dục con cái, chăm sóc người ốm đau, người già... trong
gia đình. Đó thực sự là một mâu thuẫn cần phải giải quyết, làm thế nào để phụ nữ
vừa làm tròn trách nhiệm gia đình, vừa phải làm tròn trách nhiệm xã hội, có
giải quyết được mâu thuẫn đó, phụ nữ mới có cơ hội phát triển.
Hiện nay, bạo lực gia đình cũng đang diễn
biến nghiêm trọng với nhiều dạng thức khó kiểm soát mặc dù Nhà nước đã ban hành
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và đưa ra xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng
liên quan đến bạo lực gia đình. Nếu trong gia đình truyền thống, bạo lực gia
đình chỉ theo hướng một chiều là bạo lực của người chồng đối với người vợ thì
hiện nay ngoài xu hướng đó, còn biểu hiện là bạo lực của người vợ đối với người
chồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng hiện
nay chủ yếu vẫn là do người chồng gây ra đối với người vợ. Nếu đánh giá khách
quan, bạo lực gia đình không phải là ngẫu nhiên do người chồng không kiểm soát
được hành vi của mình như cách giải thích truyền thống, mà nó phản ánh mối quan
hệ quyền lực, sự xung đột các giá trị, chuẩn mực trong một xã hội rộng lớn hơn.
Bạo lực gia đình ở góc độ này được coi là hệ quả của việc níu kéo một cách cực
đoan những giá trị, chuẩn mực của gia đình truyền thống. Thực tế cho thấy, bạo
lực gia đình là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tan vỡ gia đình, ảnh
hưởng tiêu cực đến chất lượng các mối quan hệ gia đình, đe dọa tính bền vững của
gia đình Việt Nam hiện nay. Do đó, bạo lực gia đình là một vấn đề mang tính xã
hội chứ không phải là vấn đề của cá nhân, nên các giải pháp phòng chống bạo lực
gia đình hiện nay cần phải được đề xuất dựa trên cơ sở làm thay đổi nhận thức của
xã hội về bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân của
bạo lực gia đình, tăng cường vai trò của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia
đình, đặc biệt cần nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực
văn hóa trong gia đình Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết,
trong đó nổi lên là mối quan hệ giữa vợ và chồng, vấn đề đặt ra là gia
đình và xã hội cần phải làm gì để người phụ nữ kết hợp trách nhiệm gia đình
với trách nhiệm xã hội để phát triển toàn diện tiến tới sự bình đẳng thực chất
giữa nam giới và nữ giới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị xã hội trong
thời kỳ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét