Nhiều nhà tư tưởng trong
lịch sử đã từng đưa ra quan niệm, rằng sự lệ thuộc của phụ nữ vào đàn ông, thậm
chí trở thành nô lệ của đàn ông là một lẽ hoàn toàn tự nhiên, bởi theo họ, “giá
trị” của người phụ nữ thấp hơn “giá trị” của người đàn ông, thậm chí không là
gì cả. Quan niệm này đã bị các nhà triết học thời kỳ khai sáng, nhất là những
đại diện của chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp, như Đ. Đi-đơ-rô, Gi.Ru-xô và
đặc biệt là S. Phu-ri-ê phê phán. Song, do hạn chế bởi lập trường duy tâm trong
giải quyết các vấn đề xã hội nói chung nên sự lý giải của các nhà tư tưởng Pháp
về nguyên nhân dẫn đến địa vị thấp kém của người phụ nữ nhìn chung vẫn mang
tính phiến diện, một chiều.
Các nhà sáng lập chủ
nghĩa Mác, từ lập trường duy vật lịch sử, đã đưa ra sự lý giải có căn cứ khoa
học và đúng đắn về nguồn gốc của sự bất bình đẳng nam nữ. Ngay từ buổi bình
minh của xã hội loài người, khi con người đang dần tách ra khỏi các động vật
khác thì cũng là thời kỳ hình thành chế độ cộng sản nguyên thủy với phương thức
sản xuất chủ yếu là hái lượm và săn bắn. Với phương thức sản xuất này, người phụ
nữ giữ địa vị quan trọng trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Phân tích
điều này, Ph.Ăng-ghen đã viết: “kinh tế gia đình cộng sản… là cơ sở hiện thực
của quyền thống trị của người đàn bà, cái quyền thống trị phổ biến khắp mọi nơi
trong thời nguyên thủy”. Sự phát triển của lực lượng sản xuất đã làm cho
phương thức sản xuất xã hội chuyển dần từ hái lượm, săn bắn sang trồng trọt và
chăn nuôi với năng suất lao động cao hơn trước. Con người đã bắt đầu biết tích
trữ của cải, những người có quyền điều hành trong cộng đồng đã dựa vào quyền
lực của mình để chiếm đoạt của công thành của riêng. Cũng từ đó dần hình thành
chế độ tư hữu và đây cũng là thời kỳ mà chế độ phụ quyền bắt đầu sự thống trị
của mình, đánh dấu sự thất bại có tính chất toàn thế giới của phụ nữ. Từ việc
xác định đúng nguồn gốc nảy sinh và phát triển của sự bất bình đẳng trong quan
hệ giới, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã chỉ ra chính xác nguyên nhân
của sự bất bình đẳng nam nữ, đó là sự áp bức của đàn ông đối với đàn bà về mặt
kinh tế. Ph.Ăng-ghen viết: “Tình trạng không bình quyền giữa đôi bên, do những
quan hệ trước kia để lại cho chúng ta, tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân,
mà là kết quả của việc áp bức đàn bà về mặt kinh tế”, và “sự
thống trị của đàn ông trong hôn nhân chỉ đơn thuần là kết quả của sự thống trị
của họ về mặt kinh tế, và sẽ tiêu vong cùng với sự thống trị về kinh tế”.
Như vậy, khi cơ sở kinh tế của xã hội biến đổi thì tính chất của mối quan hệ
nam nữ về mặt xã hội cũng biến đổi theo. Sự xuất hiện chế độ tư hữu dẫn đến sự
phụ thuộc về mặt kinh tế của người phụ nữ vào người đàn ông, và trong các giai
cấp bị bóc lột thì nó đồng thời dẫn đến sự nô dịch người phụ nữ về mặt giai
cấp. Người phụ nữ bị tước mất những quyền về kinh tế và chính trị, bị nô dịch
về tinh thần thì cũng bị cô lập với xã hội, phạm vi hoạt động của họ bị giới
hạn chỉ trong công việc nội trợ gia đình.
Việc nhấn mạnh vai trò
quyết định của cơ sở kinh tế không có nghĩa là các nhà kinh điển của chủ nghĩa
Mác xem nhẹ các yếu tố phi kinh tế, như trình độ nhận thức, truyền thống, phong
tục tập quán, thành kiến tôn giáo,… đối với sự bất bình đẳng nam nữ. Các ông đã
nêu rõ: điều kiện kinh tế là cái cuối cùng quyết định sự phát triển lịch sử,
nhưng sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn hóa,
nghệ thuật đều dựa trên sự phát triển kinh tế. Đến lượt mình, tất cả những sự
phát triển đó đều tác động lẫn nhau và cũng tác động ngược lại đến cơ sở kinh
tế. Bởi vậy, ngoài nguyên nhân kinh tế của sự bất bình đẳng giới, thì trình độ
nhận thức, thói quen suy nghĩ và các phong tục tập quán phản ánh sự bất bình
đẳng nam nữ về mặt kinh tế cũng đã góp phần “đóng đinh” trong suy nghĩ của con
người ta tư tưởng coi thường phụ nữ. Những phong tục tập quán lạc hậu, cổ hủ,
thành kiến tôn giáo…được duy trì không ngoài mục đích trói buộc, chà đạp nhân
phẩm của người phụ nữ, dần dần trở thành thói đối xử thô bạo của người đàn ông
đối với phụ nữ. Đó cũng chính là nguồn gốc phi kinh tế của sự bất bình đẳng nam
nữ, thậm chí ngay cả khi cơ sở kinh tế của sự bất bình đẳng nam nữ đã bị phá
bỏ, thì như Ph. Ăng-ghen lưu ý: “Tính ràng buộc vĩnh viễn của hôn nhân, một
phần là kết quả của các điều kiện kinh tế, trong đó chế độ một vợ một chồng
phát sinh, và phần nữa là một truyền thống của thời kỳ trong đó mối liên hệ
giữa những điều kiện kinh tế ấy với chế độ một vợ một chồng còn chưa được người
ta hiểu một cách đúng đắn và đã bị tôn giáo thổi phồng lên”. Không chỉ bị
“tôn giáo thổi phòng lên” mà cả tư tưởng và luật pháp của giai cấp tư sản cũng
ra sức bảo vệ cho sự bất bình đẳng nam nữ, làm tăng thêm mức độ áp bức đối với
phụ nữ. Về điều này, trong “Diễn văn tại Đại hội I toàn Nga các nữ công
nhân” (tháng 11-1918) V. I. Lê-nin cũng vạch rõ tình trạng: “Cho đến
nay… hôn nhân có tính chất tôn giáo vẫn thịnh hành, Phụ nữ phải chịu như vậy là
do ảnh hưởng của cha cố…”. V. I. Lê-nin còn nhấn mạnh, chính bản thân
người phụ nữ với bản tính cam chịu, nhẫn nhục, kém hiểu biết càng làm cho sự
bất bình đẳng giới trở càng nên trầm kha trong xã hội có giai cấp đối kháng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét