Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Phong cách ứng xử khoan dung Hồ Chí Minh

Khoan dung trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh không có chung bản chất với khoan dung trong tôn giáo. Khoan dung, ứng xử nhân ái của Hồ Chí Minh không có giới hạn biên giới quốc gia. Trong các bài báo, cuốn sách do Người viết, hiện lên số phận ng­ười lao động bị đế quốc đày đọa, từ ng­ười phụ nữ châu Phi, những thủy thủ, phu khuân vác Đắc-ca, Bra-xin, Xi-ry, Li-băng,… cho đến những công nhân, nông dân ở Ghi-nê, Đa-hô-mây, v.v. Đến thăm bất cứ nước nào, khi ở địa vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Người dành thời gian tiếp xúc với nhân dân lao động, đặc biệt là đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Điều đó cắt nghĩa tại sao Hồ Chí Minh được thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và nhiều nước trên thế giới gọi là Bác Hồ; được nhân dân Việt Nam và rất nhiều tầng lớp nhân dân trên thế giới gọi là Bác Hồ. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh trở thành một biểu t­ượng về tình hữu ái của con ngư­ời trên trái đất. Tình nhân ái trong ứng xử Hồ Chí Minh không dừng ở lời nói mà còn được thể hiện rõ trong hành động. Người tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đấu tranh bảo vệ người bị áp bức, phấn đấu vì sự nghiệp tiến bộ, đưa lại cho con người tự do, ấm no, hạnh phúc, phấn đấu vì lý tưởng giải phóng triệt để cho con người vươn tới cái tất yếu của vương quốc tự do.

Với tư tưởng giải phóng con người, yêu thương con người, khoan dung, độ lượng, Hồ Chí Minh đã giao tiếp, ứng xử với nhiều người trong cuộc sống, và lúc nào cũng vậy đều để lại ấn tượng sâu đậm. Quan niệm của Hồ Chí Minh cũng giống như quan niệm đúng đắn của các tổ chức xã hội tiến bộ hiện nay trên thế giới, khi cho rằng: phát triển con người là sự phát triển bao gồm tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của mọi cá nhân, từ tình trạng sức khoẻ, tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của con người; phát triển con người theo những mục tiêu đó, là cái đích cuối cùng, phát triển kinh tế - xã hội chỉ là một phương tiện. Mục tiêu cơ bản của phát triển là tạo ra một môi trường khuyến khích con người được hưởng cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh, hạnh phúc, tự do và sáng tạo. Đó chính là tính toàn diện của sự phát triển. Điều này phù hợp với cách tính về chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - kết hợp các chỉ số cơ bản về y tế, giáo dục, tuổi thọ, mức sống, chứ không chỉ duy nhất là sự tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Vì thế, khi tiếp xúc với nhiều người, Hồ Chí Minh thường hay hỏi thăm về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình,… nghĩa là những điều liên quan tới đời tư. Riêng việc hỏi han về đời tư, đối với người Việt Nam thì đó là lối ứng xử bình thường, nhưng đối với những người nước ngoài thì chưa chắc đã phù hợp với văn hóa của họ, thậm chí có người rất kiêng kỵ và cho đó là tò mò khi giao tiếp. Hồ Chí Minh rất hiểu điều đó, nên trong giao tiếp, ứng xử nó được người ta tiếp nhận, cắt nghĩa là tấm lòng chân thành, bác ái bao la của một con người - nhà văn hóa Hồ Chí Minh. Cái mà ở những người khác cho là điều không phù hợp thì đến Hồ Chí Minh trở thành điều tế nhị, nhã nhặn, lịch sự và quyến rũ. Một quả táo lấy từ bàn họp về cho cháu bé, một bông hoa tặng phụ nữ, một cử chỉ phá lệ ngoại giao để rẽ đoàn người ôm hôn thắm thiết người bạn sau bao năm xa cách, một sự đồng ý nhận lời làm cha nuôi trẻ sơ sinh, một cử chỉ đạp nước gầu guồng, tát nước gầu dai, tụt dép cao su lội ruộng thăm bà con đang gặt lúa và muôn vàn cử chỉ ứng xử khác nữa đã làm nên phong cách ứng xử lịch lãm, tự chủ, linh hoạt, ân cần, tế nhị, cởi mở, tự nhiên, bình dị, chan hòa, ấm cúng, khoan dung, khiêm nhường, bình tĩnh và đĩnh đạc, tỉnh táo của con người mang tên Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét