Chế độ tư hữu khiến cho con người bị tha hóa
trên hai phương diện: một là, sự tha hóa của người công nhân trong sản phẩm lao
động của anh ta; và hai là, sự tha hóa của người công nhân “trong bản thân hành
vi sản xuất, trong bản thân hoạt động sản xuất”.
Ở phương diện thứ nhất, biểu
hiện của sự tha hóa là, sản phẩm do lao động của người công nhân làm ra không
những không thuộc về anh ta, mà còn “đối lập với lao động như một thực thể xa lạ,
như một lực lượng không phụ thuộc vào người sản xuất”. “Người công nhân sản xuất
càng nhiều của cải, sức mạnh và khối lượng sản phẩm của anh ta càng tăng thì
anh ta càng nghèo”. “Người công nhân càng tạo ra nhiều hàng hóa, anh ta lại trở
thành một hàng hóa càng rẻ mạt. Thế giới vật phẩm càng tăng thêm giá trị thì thế
giới con người càng mất giá trị”(1). Nói chung, anh ta làm ra càng nhiều vật phẩm
thì số vật phẩm anh ta có thể chiếm hữu được càng ít và anh ta bị chính sản phẩm
do mình làm ra – tư bản – thống trị càng mạnh.
Ở phương diện thứ hai, “sự tha hóa của công
nhân trong sản phẩm của anh ta không chỉ có ý nghĩa là lao động của anh ta trở
thành một vật phẩm, có được sự tồn tại bên ngoài, mà còn có ý nghĩa là lao động
của anh ta tồn tại ở bên ngoài anh ta, không phụ thuộc vào anh ta, xa lạ với
anh ta, và lao động ấy trở thành một lực lượng độc lập đối lập với anh ta, có
nghĩa là đời sống mà anh ta truyền cho vật phẩm, chống lại anh ta như một đời sống
đối địch và xa lạ”(2). Điều đó cũng có nghĩa là, trong lao động, đáng ra người
công nhân khẳng định mình thì anh ta lại thấy mình “phủ định mình”, đáng ra người
công nhân phải cảm thấy mình sung sướng thì anh ta lại “cảm thấy mình khổ sở”,
đáng ra người công nhân “phát huy một cách tự do nghị lực thể chất và tinh thần”
của mình thì anh ta lại cảm thấy mình đang “làm kiệt quệ thân thể của mình và
phá hoại tinh thần của mình”.
Đến đây, câu hỏi đặt ra là, nếu sản phẩm người
công nhân làm ra không thuộc về anh ta thì thuộc về ai? Tại sao trong quá trình
lao động, người công nhân “cảm thấy mình bị tách khỏi bản thân mình”, cảm thấy
lao động của mình là “lao động cưỡng bức” và chỉ xem lao động là “một phương tiện
để thỏa mãn những nhu cầu khác” chứ không xem lao động là nhu cầu?
Câu trả lời là: sản phẩm do người công nhân làm
ra thuộc về địa chủ và nhà tư bản – “những vị thần có đặc quyền và ăn không ngồi
rồi và ở đâu cũng đều ở trên công nhân và định pháp luật cho công nhân”(3), bởi
họ là những người nắm giữ tư liệu sản xuất. C.Mác gọi những người này là “những
người sở hữu”. Còn người công nhân, trong thực tế, chỉ nhận được một phần rất
nhỏ – “cái mà không có nó thì tuyệt đối không thể được: chỉ đúng cái cần thiết
để người công nhân tồn tại – không phải như một con người mà như một công nhân
và không phải để người công nhân duy trì loài người, mà duy trì giai cấp nô lệ
– giai cấp công nhân”(4); bởi người công nhân không có sở hữu về tư liệu sản xuất
và tư liệu sinh hoạt xã hội nên phải làm thuê để nhận một khoản tiền công ít ỏi,
không tương xứng với lao động của anh ta từ những người sở hữu.
Cũng trong Bản thảo kinh tế – triết học năm
1844, từ khái niệm lao động bị tha hóa được rút ra trong quá trình phân tích sự
tha hóa của người công nhân, C.Mác đã chỉ rõ sở hữu tư nhân với tư cách sản phẩm
của lao động bị tha hóa, Ông khẳng định, “một mặt, sở hữu tư nhân là sản phẩm của
lao động bị tha hóa, và mặt khác, nó là phương tiện làm cho lao động bị tha
hóa, là sự thực hiện sự tha hóa ấy”(5), C.Mác cũng chỉ ra cả “những người sở hữu”
cũng bị tha hóa. Song, khác với hoạt động tha hóa ở người công nhân, sự tha hóa
của “những người sở hữu” biểu hiện ra là “trạng thái tha hóa”(6). Trạng thái
tha hóa này là: “Tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận quá ít,
cũng như giới tự nhiên sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản
trở nên can đảm. Được bảo đảm 10 phần trăm lợi nhuận thì người ta có thể dùng
tư bản vào đâu cũng được; được 20 phần trăm thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50 phần
trăm thì nó trở nên thật sự táo bạo; được 100 phần trăm thì nó chà đạp lên mọi
luật lệ của loài người; được 300 phần trăm thì không còn tội ác nào là nó không
dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ”(7).
Tựu trung lại, chế độ tư hữu khiến cho con người
trở nên xa lạ với chính mình và làm biến mất “tồn tại có tính chất người” của
con người. Chế độ tư hữu khiến cho giá trị con người bị hạ thấp xuống chỉ bằng
máy móc, khiến cho người công nhân “cảm thấy mình chỉ còn là con vật” trong những
chức năng con người của anh ta, khiến cho “cái vốn có của súc vật trở thành chức
phận của con người, còn cái có tính người thì biến thành cái vốn có của súc vật”(8).
Do đó, “xóa bỏ chế độ tư hữu” là cần thiết và tất yếu. “Xóa bỏ một cách tích cực
chế độ tư hữu” là một giải pháp để giải phóng con người, mà trước hết là những
người công nhân không có sở hữu, khỏi ách thống trị của chế độ tư hữu và trả lại
cho con người một đời sống đích thực thay vì một “đời sống bị tha hóa”.
Song, theo quan niệm của C.Mác, cần lưu ý rằng,
chủ nghĩa cộng sản không xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà cụ thể là, xóa bỏ
“chế độ sở hữu tư sản” – “biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản
xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những
người này bóc lột những người kia”(9). Theo nghĩa đó, lý luận về sự xóa bỏ “chế
độ sở hữu tư sản” của chủ nghĩa cộng sản có thể được “tóm tắt” thành một luận
điểm duy nhất là: “xóa bỏ chế độ tư hữu”.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.128.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42,
tr.129-130.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42, tr.79.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42, tr.79.
(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42, tr.142.
(6) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42,
tr.145.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.1056.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42. tr.133.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t. 4, tr.615.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét