Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, trong bối cảnh thường xuyên phải đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược ỷ cậy sức mạnh về quân sự, kinh tế, thì tinh thần yêu nước luôn là nhân tố quan trọng kết thành sức mạnh vô địch - đại đoàn kết - để dân tộc Việt Nam giành chiến thắng. Tinh thần yêu nước thể hiện hùng hồn trong bài thơ Nam quốc sơn hà; vang vọng nghìn năm qua tiếng hô vang “Đánh! Đánh!” ở Hội nghị Diên Hồng; thấm đẫm trong Bình Ngô đại cáo; kiêu hãnh trong lời kêu gọi “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”,...
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người phát hiện, tổng kết sức mạnh của tinh thần yêu nước, và từ đó đã khơi dậy tinh thần yêu nước của dân tộc ta lên một tầm cao mới trong thời đại ngày nay. Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Một tư tưởng quan trọng có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, mà một trong những nhân tố tạo ra nó chính là tinh thần yêu nước. Trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vì mục tiêu độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tinh thần yêu nước chính là điểm chung, là “chìa khóa vàng” để mở ra khối đại đoàn kết toàn dân.
Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, một trong những nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là: “Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”. Thực hiện chủ trương đó, Người đã trực tiếp viết thư, tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân để kêu gọi, khơi dậy tinh thần yêu nước. Người tâm tình với các cụ phụ lão: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không” (Thư gửi các cụ phụ lão, ngày 21-9-1945); khuyên nhủ các em nhỏ: “Các em phải thương yêu nước ta” (Thư gửi thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 22-9-1945); báo tin độc lập cho một Việt kiều (tháng 9-1945), Người kêu gọi: “Tôi vẫn nghe ông là người yêu nước thương nòi, vậy dịp này rất thuận tiện cho ông tỏ lòng trung thành với Tổ quốc”; trong thư gửi cảm ơn các giám mục và đồng bào công giáo Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Người nhấn mạnh: “…các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của đức Giêsu”; Người tỏ lòng vị tha với những người trót lầm đường, lạc lối: “Ai cũng có lòng yêu nước, chẳng qua có lúc vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn. Nói lẽ phải họ tự nghe”... Và những bài học làm người đầu tiên Người muốn trao truyền lại, đó là: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”; “Dân ta phải biết sử ta”.
Trong kháng chiến, Người quả quyết: “Đành biết rằng từ đây đi đến cuộc toàn thắng, chúng ta còn phải kinh qua nhiều nỗi khó khăn. Nhưng chúng ta giàu lòng yêu nước, thì chúng ta quyết cứu được nước”. Trong kiến quốc, Người tin tưởng sắt đá, rằng nếu “sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất. Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Kiến quốc nhất định thành công”.
Suốt sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng; yêu nước không chỉ ở nhận thức, mà còn phải thể hiện ở hành động. Bác yêu cầu: “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”. Trước khi đi xa, trong Di chúc, Người mong mỏi: “...đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở đồng thuận từ tinh thần yêu nước và kết quả tất yếu là: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” và “Thành công, thành công, đại thành công”. Tinh thần yêu nước nồng nàn trở thành sức mạnh to lớn đập tan dã tâm xâm lược của mọi kẻ thù hung bạo, mạnh hơn về khí tài quân sự, quân số, tiềm lực kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập”.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định tinh thần yêu nước là một nhân tố quan trọng tạo thành động lực phát triển đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh tinh thần yêu nước là một trong những giá trị, thuận lợi cơ bản của Việt Nam: “Chúng ta có nhiều thuận lợi cơ bản:... nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống đoàn kết và nhân ái”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “Nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập: kết hợp hài hòa các lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nhân tố con người; vai trò của khoa học - công nghệ;...”. Đồng thời Đảng tiếp tục khẳng định tinh thần yêu nước là nội dung quan trọng trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết: “đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét