Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hiện nay

Trong gia đình truyền thống, cha mẹ có uy quyền tuyệt đối với con cái và con cái phải có bổn phận phục tùng uy quyền của cha mẹ. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, người ta ít đề cập tới trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái nhưng lại nhấn mạnh tới bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này bắt nguồn từ quan niệm đạo hiếu truyền thống, nó đòi hỏi con cái phải thành kính và phụng dưỡng cha mẹ, suốt đời làm theo cha và không bao giờ thay đổi.
Trong gia đình truyền thống, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được nhấn mạnh theo nguyên tắc: quyền của cha mẹ và bổn phận của trẻ em, thì trong gia đình hiện nay nguyên tắc đó được nhấn mạnh theo chiều hướng ngược lại, đó là: quyền của trẻ em và bổn phận của cha mẹ. Hiện nay, vai trò giáo dục và kiểm soát con cái của cha mẹ trong gia đình ngày càng mờ nhạt. Hiện tượng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và sự tác động của chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nên quyền trẻ em được coi trọng mà trong gia đình thì cha mẹ phải là người đầu tiên gương mẫu thực hiện quyền đó. Việc công nhận quyền trẻ em đã làm thay đổi căn bản những giá trị, chuẩn mực văn hóa trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Như vậy, có thể thấy không phải cha mẹ hiện nay muốn từ bỏ quyền kiểm soát trẻ em mà chính là do thời đại mới đã không chấp nhận để cha mẹ kiểm soát trẻ em theo các chuẩn mực truyền thống. Đó là sự khủng hoảng của thiết chế gia đình trong việc kiểm soát trẻ em hiện nay.
Nếu trong gia đình truyền thống, không gian sinh sống của trẻ em chủ yếu bó hẹp trong phạm vi hẹp, mọi hành vi của trẻ em đều được kiểm soát bởi gia đình, họ hàng và cộng đồng thì trong xã hội hiện nay, đặc biệt ở thành thị, phạm vi hoạt động của trẻ em rất rộng lớn, quan hệ xã hội được mở rộng, thậm chí, trẻ em sinh hoạt bên ngoài gia đình nhiều hơn trong môi trường gia đình. Bên cạnh đó, về phía cha mẹ, họ chủ yếu làm việc ở bên ngoài gia đình, thời gian để chăm sóc, giáo dục con cái rất ít. Đặc biệt, ở khu vực nông thôn, sự chuyển đổi của cơ cấu kinh tế, sự đa dạng hóa ngành nghề và quá trình phi nông nghiệp hóa nông thôn đã chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp, cha mẹ thường xuyên đi làm ăn xa nhà hoặc làm việc ở các cơ sở sản xuất bên ngoài gia đình nên họ cũng không có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái. Việc cha mẹ không có thời gian hoặc có quá ít thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái cho thấy đã xuất hiện một khoảng trống trong việc kiểm soát, giáo dục con cái. Việc đánh mất vai trò kiểm soát của cha mẹ đối với con cái đã dẫn đến nhiều hậu quả cho gia đình và xã hội như hiện tượng trẻ em lang thang, phạm tội hay rơi vào các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng, đồng thời, cũng phản ánh những bất ổn và những thay đổi trong tâm lý và nhân cách của trẻ em hiện nay...
Thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đang có những biến đổi đáng lo ngại. Không ít cha mẹ cho rằng, con cái hiện nay không còn ngoan ngoãn, lễ phép như trẻ em trước đây, ngược lại trẻ em vị thành niên lại cảm thấy bị ức chế vì bị cha mẹ kiểm soát, can thiệp quá sâu vào tự do cá nhân và đời sống riêng tư. Về bản chất, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình Việt Nam hiện nay là một sự đảo ngược trật tự và vị trí so với gia đình truyền thống. Sự biến đổi này bắt nguồn từ sự biến đổi của điều kiện kinh tế - xã hội và bắt nguồn từ sự thay đổi của quy mô, cấu trúc, chức năng của gia đình hiện nay. Nó làm cho quyền uy, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng giảm sút và giãn ra. Sự biến đổi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở một mức độ nhất định đang làm mất đi những giá trị, chuẩn mực văn hóa truyền thống như “cha từ, tử hiếu”. Không ít cha mẹ hiện nay rơi vào tình trạng bất lực trước việc con cái không nghe lời, vô trách nhiệm đối với cha mẹ, ông bà, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với các công việc nhà. Vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là cần phải củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị, chuẩn mực văn hóa mới, đồng thời kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, cần tạo cho trẻ em môi trường, điều kiện để phát triển nhân cách, năng lực nhưng cũng phải quan tâm đến giáo dục gia đình, giúp trẻ em nhận thức được những giá trị, chuẩn mực truyền thống, đặc biệt phải sống có trách nhiệm đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cần tìm ra giải pháp để giải quyết hài hòa giữa uy quyền, bổn phận của cha mẹ với quyền của trẻ em trong gia đình hiện nay, hoặc cha mẹ nhận thức được vai trò của giáo dục gia đình nhưng mặt khác, họ lại không có đủ thời gian, tri thức, phương pháp để giáo dục con cái dẫn đến hậu quả con cái sa vào tệ nạn xã hội, cản trở sự phát triển của gia đình theo hướng bền vững, tiến bộ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét