Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA CÔNG NHÂN DỆT THÀNH PHỐ XILÊDI Ở ĐỨC ( 1844) DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

 

Vào đầu thế kỷ XIX, trong lúc các nước như Anh, Pháp đã có nền công nghiệp tương đối phát triển thì ở Đức vẫn còn trong tình trạng trật tự phong kiến, nửa phong kiến, sản xuất công nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Đến những năm 30 - 40 của thế kỷ XIX, nhờ những thành tựu của nền công nghiệp mà các vùng như Ranh, Vétsphalen, Xácxôni, Xilêdi trở thành những khu công nghiệp mới và xuất hiện giai cấp vô sản hiện đại. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đức phải sống dưới hai tầng áp bức bóc lột của phong kiến và tư bản, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, những cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cũng bắt đầu từ đây.

Mở đầu cho phong trào đấu tranh có tính chất quần chúng rộng rãi là cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt thành phố Xilêdi năm 1844. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khởi nghĩa là do thợ dệt ở Xilêdi bị bóc lột thậm tệ bởi chủ tư bản, mặt khác họ lại phải đóng thuế cho bọn địa chủ mới được dệt vải. Do đó, đời sống của công nhân lao động vô cùng cực khổ, đã có nhiều người thợ đã chết vì cảnh thiếu đói. Tình cảnh đó được thể hiện qua bài hát “Tòa án đẫm máu” phản ánh nỗi phẫn uất của giai cấp công nhân, bài hát đã được một người công nhân hát lên trước nhà tên chủ xưởng Xôvanh Xighê. Bài hát đã cổ vũ và lôi cuốn được đông đảo công nhân tham gia hưởng ứng.

Ngày 4 tháng 6 năm 1844, công nhân kéo đến đập phá máy móc, nhà xưởng, kho tàng của tên chủ xưởng Xôvanh Xighê. Ngày 5 tháng 6 năm 1844, công nhân dệt Xilêdi tham gia khởi nghĩa đã tuần hành từ Pêtêvan đau đến Langhenbilan và công nhân tiếp tục đập phá máy móc nhà xưởng, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra phạm vi rộng. Trước tình hình đó, chính quyền tư sản đã lập tức điều quân đội và cảnh sát đến đàn áp cuộc khởi nghĩa, công nhân đã đứng lên chống lại lực lượng của giai cấp tư sản, trong cuộc đấu tranh oanh liệt đó có gần 70 công nhân dệt bị bắt, bị tra tấn dã man.

Cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt Xilêdi bị chính quyền giai cấp tư sản đàn áp, dập tắt một cách dã man, song có thể khẳng định đây là cuộc đấu tranh có tính chất quần chúng rộng rãi đầu tiên ở Đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét