Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CỦA CÔNG XÃ PARI DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

 

Đến năm 70 của thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Pháp đã cơ bản hoàn thành, làm cho sản xuất và vận tải đường sắt tăng, ngân hàng phát triển mạnh, kèm theo đó là sự phát triển mạnh mẽ của thương nghiệp, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Tất cả những điều kiện đó đã mang lại cho giai cấp tư sản Pháp những nguồn lợi to lớn. Bên cạnh nguồn lợi to lớn thu được của giai cấp tư sản thì ngược lại, giai cấp vô sản Pháp lại càng bị bóc lột tàn tệ, nặng nề. Tình hình trên làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất ngày càng tăng, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản càng thêm gay gắt.

Giai cấp công nhân Pháp đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Quá trình đấu tranh chống giai cấp tư sản, họ đã dần ý thức được sự cần thiết phải thay đổi về căn bản chế độ chính trị đang tồn tại - nền Đế chế II và cũng đã có những khuynh hướng muốn thành lập các tổ chức bí mật. Phong trào công nhân còn mang nặng những tàn dư của chế độ lao động thủ công, ảnh hưởng tư tưởng của Pruđông và Bơlăngki. Việc Quốc tế I ra đời đã tác động tích cực, mạnh mẽ đối với phong trào công nhân.

Các tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ, đứng đứng trước nguy cơ bị phá sản buộc phải vay nặng lãi, bị chèn ép, kìm hãm và ngày càng bị lệ thuộc vào bọn chủ ngân hàng. Sự bất bình của họ đối với chế độ ngày càng tăng. Tầng lớp tư sản bị phá sản cũng tỏ rõ thái độ chống chính phủ đế chế và gia nhập Đảng Cộng hòa.

Các tầng lớp xã hội trước sức ép của chủ nghĩa tư bản đã vô cùng căm phẫn đối với chế độ của nền Đế chế II. Những cuộc mít tinh, biểu tình, bãi công mang tính chất quần chúng rộng rãi liên tiếp nổ ra. Trong đó tầng lớp nông dân phản ánh nỗi bất bình ngày càng tăng lên vì những gánh nặng thuế khóa của nhà nước tư sản và sự bóc lột tàn tệ của bọn địa chủ và bọn cho vay lãi.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến Công xã Pari năm 1871. Do bản chất phản động của Đế chế II, mâu thuẫn trong nước Pháp đã lên cao, cần đẩy mâu thuẫn ra ngoài, thông qua chiến tranh. Pháp đã gây chiến với Phổ, vì Phổ đang tranh giành thuộc địa và phản bội Pháp trong chiến tranh với Áo, có âm mưu thống nhất nước Đức bằng “sắt và máu”. Phổ cũng muốn diệt Đế chế II để chiếm thuộc địa và đánh tan trở lực thống nhất của Phổ mà Pháp muốn ngăn chặn.

Bixmác liên minh với Áo đánh Đan Mạch, sau đó tấn công luôn bạn đồng minh của mình. Để gạt bỏ nước Pháp, Bixmác âm mưu bày ra cái cớ để có thể đánh Pháp. Với việc đánh tráo bức thư của Vinhem I gửi cho Napôlêông III, có lời lẽ ngạo mạn, sỉ nhục, Bixmác đã khiến cho Napôlêông III tức giận tuyên chiến với Phổ. Lúc này, uy tín của vương triều Napôlêông III ở nước Pháp vốn đã sa sút lại càng làm tăng thêm tình trạng khủng hoảng toàn diện dẫn đến quần chúng đã nổi dậy khởi nghĩa lật đổ Đế chế II để thiết lập nền Cộng hòa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét