Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

QUỐC TẾ II RA ĐỜI TRONG BỐI CẢNH PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ NHƯ THẾ NÀO?

 

Sau khi Công xã Pari năm 1871 thất bại, chủ nghĩa tư bản phát triển trong điều kiện tương đối hoà bình đã chuyển dần thành chủ nghĩa đế quốc. Phương Tây lúc này những cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã cơ bản hoàn thành; Phương Đông cách mạng dân chủ tư sản chưa tới.

Phong trào công nhân thời kỳ này có bước phát triển mới về chất, số lượng và chất lượng của giai cấp công nhân được tăng lên. Nhưng, đời sống vật chất, tinh thần của họ lại vô cùng cực khổ, tỷ lệ nghịch với sự phát triển kinh tế dưới chủ nghĩa tư bản.

Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh, bãi công kinh tế trở thành một hình thức đấu tranh quan trọng của phong trào công nhân cùng với đấu tranh nghị trường, đấu tranh hợp pháp là hình thức đấu tranh mới của phong trào công nhân thời kỳ này.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân tạo cơ sở xã hội cho sự hình thành, phát triển nhiều tổ chức công đoàn ở các nước với các quy mô từ cấp ngành, địa phương đến liên ngành, toàn quốc với tập trung, thống nhất cao. Sự phát triển công đoàn là một trong những nhân tố trực tiếp thúc đẩy sự ra đời các đảng xã hội dân chủ ở châu Âu, là cầu nối các mối liên hệ giữa đảng xã hội dân chủ với giai cấp công nhân.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và sự thâm nhập lý luận cách mạng chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân đã dẫn đến sự ra đời hàng loạt các đảng xã hội dân chủ.

Nắm bắt được yêu cầu của phong trào công nhân quốc tế, Ph.Ăngghen đã đứng ra tổ chức thành lập Quốc tế II vào ngày 14 tháng 7 năm 1889 tại Hội trường Pêtơren ở Pari thủ đô của Pháp với 390 đại biểu của 20 nước tham dự, chủ yếu là các nước châu Âu, Mỹ và Achentina.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét